ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT CHẤT VẤN BỘ NN&PTNT VỀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY LỢI THẾ NGÀNH NÔNG NGHIỆP

19/10/2020

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chính thức trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về giải pháp đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phát huy được lợi thế ngành nông nghiệp.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến tại công văn số 24/GS-PCCV ngày 08/6/2020. Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào, mặt mạnh là gì, hạn chế là gì và cần có chính sách như thế nào trong thời gian tới để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phát huy được lợi thế của một quốc gia có ưu thế về nông nghiệp để xuất khẩu", đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời chất vấn của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, ngày 18/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng toàn cầu đã tác động lớn đến nền kinh tế nhiều nước nói chung, Việt Nam nói riêng. Ngành nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Theo Bộ trưởng, ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để đối phó. Tuy nhiên, do các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam áp dụng các biện pháp đế đối phó với dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm, giao thương bị hạn chế đã tác động lớn tới hoạt động xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản. Xuất khẩu 6 tháng ước giảm 3,6%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra, quả, tôm giảm sâu. Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản giảm (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu,...) cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Dịch Covid-19 cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khoảng 7.500 hợp tác xã nông nghiệp, 31.282 trang trại, 320.000 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ở nông thôn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Ngoài ra, từ cuối năm 2029 đến nay, sản xuất nông nghiệp phải đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan (hạn hán tại cả 3 miền; xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhiều đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá,...); dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái nhiễm cao. Thiên tai đã gây thiệt hại cả về người và nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi,...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với sự chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bệnh dịch Covid-19 và các loại hình thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn vượt qua được khó khăn, đạt được những kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Cả nước đã gieo cấy khoảng hơn 4,2 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 20,5 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Sản lượng rau ước đạt 9,7 triệu tấn, tăng 2,5% so với 6 tháng đầu năm 2019; sản lượng hầu hết cây ăn quả đều tăng (vải tăng 19,7%, bưởi tăng 9,4%, thanh long tăng 7,6%,...); thịt gia cầm tăng 12,3%, trứng tăng 11%, sữa bò tăng 6,0%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 1,4%; khai thác gỗ tăng 2,1%.... Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị (giá trị xuất khẩu gạo tăng khoảng 27,1%, cà phê tăng 5,0%, hạt điều tăng 3,2%, rau tăng 15,4%, sắn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Nhìn chung, sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV 

Vượt qua khó khăn và đạt được một số kết quả như trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, là do một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm cao, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp cấp bách ứng phó với dịch bệnh và thiên tai.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp đã chú trọng phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, chất lượng tăng trưởng được cải thiện; giá trị và sản lượng nông sản tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao và có khả năng thích ứng với môi trường tốt;

Thứ ba, các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị phát triển rộng rãi tại các địa phương;

Thứ tư, trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được nâng lên;

Thứ năm, ngày càng nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; số lượng cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tăng nhanh,... Nhờ vậy, sản xuất nông, lâm, thủy sản có thể ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường chủ động và kịp thời hơn. Đến nay, nông nghiệp Việt Nam ngoài đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 16 trên thế giới.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, qua đợt dịch Covid 19, các tồn tại của ngành nông nghiệp đã được xác định trước đó thì càng nhận diện rõ hơn, đó là: (1) Cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ; (2) chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản và chế biến; (3) Thị trường xuất khẩu còn nhiều bất ổn, (4) Việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn hạn chế; (5) Hệ thống lưu thông, phân phối và xuất khẩu nông sản còn bất cập,...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian tới để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tiến tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, phát huy được lợi thế cúa một quốc gia có ưu thế về nông nghiệp để xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp sau:

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gõ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong đại dịch Covid- 19, Kết luận số 77KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước,...

- Thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gâỵ ra để thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông, lâm sản, xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm; tăng cường các hoạt động động xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường, ngoài thị trường Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu cần mở rộng, đa dạng các thị trường khác;

- Kiểm soát chặt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu và xuất khẩu.

- Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” của ủy ban Châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm về chế biến nông lâm sản như: Nhà máy chế biến rau quả của Doveco tại Sơn La, Nhà máy dừa Vina T&T Kim Thanh 4 tại Bến Tre,...; đẩy mạnh công suất các nhà máy chế biến hiện có để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh, kiểm soát thu mua từ các hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch đã được kiểm soát.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân.

- Rà soát và đề xuất chính sách đế khuyến khích việc nghiên cứu, chuyển giao và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; nghiên cứu, chọn tạo và tố chức sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao, có khả năng cạnh tranh; khuyến khích liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu của nhà nước với các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để qua đó phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.

Hồ Hương