ĐBQH K NHIỄU GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

24/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu K’Nhiễu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng góp ý về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu K Nhiễu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này, sau khi nghiên cứu các nội dung và các điều liên quan, đại biểu K Nhiễu trao đổi thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ: Kiểm toán môi trường là một khái niệm mới quy định tại Điều 52 của dự thảo Luật nên đại biểu K Nhiễu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, giải thích điều này vào Điều 3 để rõ ràng hơn và cụ thể. Thuật ngữ "chất thải nhựa" được đề cập tại Điều 51, cụ thể là "giảm thiểu tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương". Đây là vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng quan tâm. Tuy nhiên, không thấy Ban soạn thảo quan tâm nghiên cứu nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm sau khoản 5 Điều 3.


Đại biểu K Nhiễu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Tại khoản 34 quy định "nước thải là một chất thải ở dạng lỏng đã bị thay đổi về đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và qua hoạt động khác". Với các giải thích, chất nước thải là chất thải ở dạng lỏng, đặc biệt thay đổi về đặc điểm, tính chất là không khả thi và không thể biết được chất lỏng đã bị thay đổi về đặc điểm, tính chất như thế nào. Do vậy, thực tế khó xác định và phân biệt chất thải ở dạng lỏng đã bị thay đổi về đặc điểm và tính chất được xả thải từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Chất thải ở dạng lỏng, được thải từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Đại biểu K Nhiễu đề nghị nghiên cứu xem xét bỏ cụm từ "đã thay đổi đặc điểm về tính chất" và sửa lại quy định này theo hướng "nước thải là chất thải ở dạng lỏng được thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác".

Thứ hai, về những hành vi bị nghiêm cấm: Tại khoản 3 quy định hành vi bị nghiêm cấm, phân tán vào nguồn nước, chất độc hại, vi sinh vật có hại và tác nhân gây hại khác đối với con người và sinh vật. Như vậy, chỉ cấm phát tán vào nguồn nước, còn phát tán vào không khí hay mặt đất, lòng đất thì không bị cấm là không phù hợp. Trong khi đó, những hóa chất độc hại, vi sinh vậy có hại và tác nhân gây hại khác đối với con người và vi sinh vật có thể được phát tán ra môi trường không chỉ bằng nguồn nước. Thực tế nhiều hình thức phát tán hết sức nguy hiểm, đặc biệt là việc phát tán vi sinh vật có hại vào không khí gây ra bệnh dịch nguy hiểm cho con người và môi trường. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nghiêm cấm các hành vi phát tán vào không khí hay mặt đất, lòng đất và khoản này đề nghị bổ sung như sau: phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại và các tác nhân gây hại khác đối với con người và vi sinh vật.

Thứ ba, nội dung quản lý nhà nước về môi trường quy định tại Điều 145. Việc áp dụng thu thuế môi trường là nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm môi trường giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Thuế môi trường làm tăng chi phí đối với những sản phẩm, chủ thể gây ra ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức khác. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào điều này nội dung theo hướng quy định thu thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc: người gây ô nhiễm thì phải trả tiền. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh./.

Bích Lan