Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa tham gia thêm một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể như sau:
Về nghĩa vụ của người nhiễm HIV trong việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa hoàn toàn đồng tình với việc bổ sung đối tượng người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát bổ sung đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm do các mối quan hệ gần gũi, dùng chung các dụng cụ sinh hoạt. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Điều 4 chưa thể hiện rõ được việc người nhiễm HIV sẽ thực hiện nghĩa vụ này như thế nào và nếu không thực hiện nghĩa vụ thông báo về tình hình kết quả xét nghiệm dương tính của mình về HIV sẽ ra sao? Theo đại biểu, điều này có ý nghĩa rất quan trọng và liên quan trực tiếp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tội lây HIV cho người khác. Nếu không thực hiện mà dẫn tới lây nhiễm thì có phải là căn cứ để kết tội theo quy định của Bộ luật Hình sự hay không? Đại biểu phân tích, trên thực tế xét về tâm lý cũng như là văn hóa của người Việt, việc thực hiện nghĩa vụ này hoàn toàn không dễ, do bệnh này sẽ liên quan tới sinh hoạt, lối sống, đạo đức và nguy cơ lây nhiễm cao cũng như dễ bị cộng đồng xa lánh và kỳ thị. Vì vậy đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải pháp để quy định này đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự và phải xác định rõ việc nếu thực hiện hay không thực hiện nghĩa vụ này thì có thể là căn cứ để xác định yếu tố cấu thành tội lây nhiễm HIV cho người khác như thế nào để bảo đảm tính khả thi và tính nghiêm minh của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV .
Về việc thông báo và tiếp cận thông tin về kết quả xét nghiệm HIV dương tính thể hiện ở Điều 30: đại biểu đồng tình với việc bổ sung mở rộng đối tượng được thông báo và tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV vì những lý do sau đây:
Thứ nhất là góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ hai, kịp thời đưa ra những chính sách hoặc biện pháp để ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Thứ ba, quy định để gắn trách nhiệm của những người mà công việc của họ phải tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn, chính sách mới này có nhiều ý nghĩa đối với công tác quản lý nhưng lại khá nhạy cảm vì liên quan tới quyền bảo mật thông tin của người nhiễm HIV, đặc biệt là người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ em. Mặt khác, thông tin về kết quả xét nghiệm HIV dương tính là bí mật thông tin của công dân cần được bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Hiến pháp 2013, việc tiếp cận thông tin đã được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng như một số các quy định pháp luật liên quan khác. Đại biểu nhận định, trên thực tế, quy định này có thể hạn chế tính khả thi vì người dân có thể vì sợ không được bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến HIV mà tránh không sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV. Điều này đã được khuyến cáo trong hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người và cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, bảo đảm tính hài hòa giữa hiệu quả của công tác quản lý và quyền lợi của người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó về kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh, bảo đảm tính chính xác khi dẫn chiếu ở các điều khoản trong Điều 30 này. Cụ thể là điểm (g) khoản 1, điểm (a) khoản 3 và khoản 5.
Về việc sửa đổi Điều 43, nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Điều 43 theo hướng làm rõ các nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, có 4 nguồn lực được liệt kê, một là từ ngân sách nhà nước, hai là nguồn lực thu từ người sử dụng dịch vụ, ba là nguồn tài trợ, viện trợ đầu tư cho, biếu, tặng và 4 là nguồn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, để quy định này được chặt chẽ và bảo đảm tính mạch lạc trong việc quy định về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa còn một số điểm băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nội dung ở khoản 2, hằng năm nhà nước dành một khoản ngân sách để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam. Khoản này đã lặp lại điểm (a) khoản 1, đề cập đến đến ngân sách nhà nước là một nguồn lực. Hơn nữa, thừa cụm từ "có ý nghĩa khẩu hiệu đó là nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam". Đại biểu cho rằng không nhất thiết phải đưa khẩu hiệu này vào.
Thứ hai, đang thiếu một quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích xã hội hóa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ ba, điều luật đang đề cập chủ yếu tới nguồn lực tài chính, thiếu một nguồn lực quan trọng cần được khuyến khích chính là việc hỗ trợ nguồn lực về kỹ thuật cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nếu có thể liên hệ với Điều 43 của luật hiện hành thì những quy định này rất rõ. Tức là, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ, giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật cho phòng, chống HIV/AIDS. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để diễn đạt cho rõ; rà soát và thiết kế lại Điều 43, đảm bảo tính logic, chặt chẽ, rõ trách nhiệm của nhà nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.