ĐBQH PHẠM THỊ THU TRANG NÊU Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

30/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung của dự thảo luật.

Tán thành phương án đánh giá tác động môi trường dự án theo tiêu chí phân loại mức độ tác động môi trường để làm cơ sở chế định về đánh giá tác động môi trường; các giấy phép môi trường thể hiện từ Điều 29b đến Điều 50b trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Thu Trang góp ý một số vấn đề liên quan.

Thứ nhất, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 30b2, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tán thành phương án 2 quy định chỉ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao nhóm 1 mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Việc đề xuất thực hiện dự án đầu tư và kết quả đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc đề xuất thực hiện dự án đầu tư làm cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án phù hợp. Căn cứ xác định dự án phải đánh giá sơ bộ môi trường theo nhóm mức độ tác động môi trường theo danh mục do Chính phủ quy định thì phù hợp hơn, đúng bản chất, có nguy cơ lây nhiễm gây ô nhiễm môi trường thì phải đánh giá tác động, dự án không có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì không đánh giá tác động môi trường.


Đại biểu Phạm Thị Thu Trang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ hai, về nghiên cứu đánh giá tác động môi trường tại Điều 32b, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tán thành với quy định của dự thảo luật về các nội dung chính của Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại khoản 4. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nội dung về khoảng cách an toàn không gây ô nhiễm môi trường đối với cộng đồng dân cư, cần chú trọng nội dung về khoảng cách an toàn môi trường khi phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với dự án, bảo đảm không làm ảnh hưởng môi trường đối với khu dân cư. Thực tiễn nhiều dự án không đảm bảo khoảng cách an toàn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng dự án, người dân phản ứng ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến dự án phải tạm dừng hoạt động hoặc không triển khai được.

Thứ ba, tham vấn cộng đồng và cơ quan liên quan ở Điều 33b, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tán thành như dự thảo về đối tượng tham vấn là gồm cộng đồng dân cư, nhóm người chịu tác động trực tiếp bởi dự án, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cũng đề nghị xem xét nên bổ sung quy định tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực dự án đầu tư, để các ý kiến tham gia chuyên môn sâu giúp nhận diện các vấn đề môi trường sẽ phát sinh khi thực hiện và đi vào hoạt động.

Thứ tư, về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 36b, tại khoản 3, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tán thành với phương án 1 quy định là bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 điều này, vì trong điều kiện hiện nay, điều kiện về vật chất, năng lực đánh giá, thẩm định tác động môi trường của đa số địa phương còn nhiều hạn chế. Các dự án thuộc chủ trương cấp bộ có quy mô lớn, địa phương khó thẩm định đạt chất lượng. Quy định thẩm quyền bộ, ngành tổ chức thẩm định để bảo đảm về thiết bị, nhân lực và có điều kiện là mời chuyên gia các nơi tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt kết quả chất lượng.

Thứ năm, về trách nghiệm của chủ dự án, sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt kết quả thẩm định Điều 38b, khoản 9 dự thảo luật quy định chủ dự án công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định của luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, để bảo đảm theo dõi, giám sát với người dân, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị dự thảo quy định cụ thể về hình thức, địa điểm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Trong đó, quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại nơi có dự án để cộng đồng dân cư, người dân theo dõi, giám sát.

Nội dung thứ hai, về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 80. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tán thành quan điểm, đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện phân loại rác thải, rác tại nguồn và tính thuế thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở lượng chất thải đã được phân loại, theo đó chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định, không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải, thực phẩm thấp hơn chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là chủ trương được đa số người dân ủng hộ cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định lộ trình thực hiện đến ngày 01/01/2025, theo tôi quá lâu. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị xem xét quy định lộ trình phấn đấu thực hiện sớm hơn. Đồng thời, quy định chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư để bảo đảm khả năng xử lý gồm cơ sở vật chất, quy hoạch xây dựng điểm xử lý chất thải rắn, nhà máy tái chế chất thải rắn sinh hoạt; làm tiền đề kết hợp thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân nhằm giải quyết vấn đề xử lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay.

Về Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện đúng quy định. Các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đều được tổ chức thẩm định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp khi dự án được triển khai đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân vùng dự án, gây bức xúc xã hội. Trong trường hợp này, chủ dự án không có lỗi, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường căn cứ trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối cùng người dân phải gánh chịu hệ quả pháp chế đối với hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa cụ thể, đảm bảo tính hiệu lực về quản lý nhà nước. Trách nhiệm đối với hệ quả ô nhiễm môi trường không thuộc về ai. Do đó, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, đây là khâu quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Do vậy, cần phải quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung một điều quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, quy định về số lượng, tiêu chuẩn người tham gia Hội đồng thẩm định, trách nhiệm cá nhân và tập thể của Hội đồng thẩm định, chế tài xử lý tương ứng. Như vậy, mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường./.

Bích Lan

Các bài viết khác