Góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Minh Chuẩn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường nên lựa chọn phương án 2 Điều 29b, phân loại dự án theo tiêu chí tác động đến môi trường do phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, thuận lợi và đơn giản cho việc xác định đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị lựa chọn phương án 1, Điều 30a, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/10/2020. Theo đó, tất cả các dự án phải xin chủ trương đầu tư đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, do việc này là cần thiết để có thông tin cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương có chấp nhận cho chủ dự án có được đầu tư dự án hay không.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn, điều 34b, yêu cầu đối với tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tại điểm a khoản 1, và điểm a khoản 2 quy định nhân sự thực hiện đánh giá tác động môi trường phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đánh giá tác động môi trường là không phù hợp với thực tiễn. Bởi ngoài việc phát sinh giấy phép con sẽ là rào cản để huy động, trưng dụng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi đầu ngành có nhiều kinh nghiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường. Do đó, đề nghị sửa khoản này theo hướng cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường phải am hiểu, có kinh nghiệm, kiến thức về đánh giá tác động môi trường.
Đối với Điều 36b về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị lựa chọn phương án 2, không giao các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, mà giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định. Trong quá trình thẩm định có sự tham gia, phối hợp của bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Tại Mục 4b.1 về giấy phép môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị lựa chọn phương án 1, phương án Chính phủ trình chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 6 loại giấy tờ, thủ tục hành chính cấp phép về môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Việc lựa chọn phương án 1 sẽ dẫn đến phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, việc chỉ dùng một loại giấy phép môi trường như phương án của Chính phủ trình sẽ đạt mục tiêu cải cách hành chính, giảm dần các loại giấy phép con đang được điều chỉnh bởi luật, như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, thay vào đó sẽ chỉ quy định một luật là Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nếu nguồn nước thủy lợi có yêu cầu riêng so với nguồn nước khác thì có thể yêu cầu thể hiện trong giấy phép.
Tại Điều 42 b.1 về thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng: Việc quy định thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong dự thảo khá phức tạp, chưa gắn với thẩm quyền, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đề nghị sửa đổi thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của bộ, các dự án cơ sở không phải đánh giá tác động môi trường nhưng nằm trên địa bàn 2 tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa giao trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án cơ sở thuộc lĩnh vực bí mật quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh, các dự án cơ sở không phải đánh giá tác động môi trường nhưng nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với các dự án cơ sở không phải đánh giá tác động môi trường nằm trên địa bàn của huyện.
Nêu ý kiến đối với Điều 43b1 quy định về thời điểm cấp giấy phép môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng: Khoản 2, thời điểm cấp giấy phép môi trường quy định đối với dự án nhóm 3 là khá phức tạp và không thống nhất do gắn với thời điểm xin cấp các văn bản về xây dựng, khoáng sản khác nhau. Đề nghị quy định thời điểm cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm 3 là trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải tương tự như với dự án nhóm 1, nhóm 2, bổ sung nhóm 3 vào khoản 1 và bỏ khoản 2.
Điều 45 về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí. Điểm đ khoản 2 phương án cải tạo, phục hồi môi trường là hồ sơ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn bảo vệ môi trường. Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn, việc quy định cơ sở khai thác khoáng sản đi vào vận hành chính thức nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản như dự thảo là không hợp lý. Đề nghị sửa đổi lại điểm này theo hướng trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường phê duyệt.
Điều 59 quy định phân loại, lưu trữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường. Điểm c khoản 5, chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau với số lượng phương tiện lớn rất lớn. Đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng, việc quy định phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải lắp thiết bị định vị sẽ gây khó khăn cho việc bố trí phương tiện vận chuyển và thực sự không cần thiết, việc vận chuyển giống như đối với vật liệu sản xuất, san lấp nền thông thường. Đề nghị chỉ quy định lắp đặt thiết bị định vị đối với phương tiện vận chuyển nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý theo quy định tại điểm c khoản 1 điều này.
Tại mục 3 Chương XI về nguồn lực bảo vệ môi trường, đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng: Để đảm bảo cho cơ sở sản xuất, dịch vụ thu xếp đủ kinh phí cho chi phí hoạt động môi trường, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường là rất lớn, như ngành khai thác mỏ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung về nguồn chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường được trích từ chi phí sản xuất và các nguồn hợp pháp khác làm cơ sở để cho các tổ chức, cá nhân thực hiện.
Điều 143 quy định khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường. Khoản 3 quy định thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết và phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm./.