Cần xử lý nghiêm
Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đã được nâng lên rõ rệt. Song song với phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng bào đã có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật…
Bám sát hơi thở cuộc sống, các phương tiện truyền thông đã tích cực thông tin phản ánh những bước “chuyển mình” của đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, đáng buồn là đâu đó vẫn còn những kênh truyền thông đưa nhiều thông tin, hình ảnh sai lệch, mang tính định kiến dân tộc trong các clip hài, video quảng cáo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn dân tộc mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Dù không còn xuất hiện trên trang chính thức, thế nhưng nhiều người dễ dàng tìm thấy những clip hài ngắn về người dân tộc thiểu số gây phản cảm thời gian vừa qua. Đa số những sản phẩm này đều có lượt xem rất cao. Chị Nguyễn Thị Hiền, cư trú tại huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội cho biết, “ … sau khi xem những Clip đó thì bản thân tôi mặc dù không phải là người dân tộc thiểu số nhưng cũng cảm thấy những trang phục họ mặc và những lời lẽ họ phát ra là không được chuẩn mực, không đúng với nét văn hóa của người dân tộc thiểu số. Khi người xem đặc biệt là giới trẻ tiếp xúc và xem được những hình ảnh này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, gây hiểu sai về văn hóa của người dân tộc thiểu số …”
Có một điểm chung trong các clip hài trên các kênh YouTube cá nhân đó là thường lợi dụng tính thật thà, chất phác của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng nhiều chi tiết gây cười phản cảm, thiếu văn hóa. Trang phục thường không đúng với trang phục truyền thống của dân tộc, thậm chí có sự “pha tạp” quần áo giữa các dân tộc. Đặc biệt, đối với kênh A Hy TV, nhân vật nam (A Hy) có nhiều tình huống nhạy cảm, dẫn đến việc đụng chạm thân thể phụ nữ hoặc các hành động mang tính chất quấy rối, phản cảm … để gây cười, câu view. Các nhân vật nữ trong clip thường xuất hiện với quần áo gợi cảm, hở hang. Không chỉ có những diễn viên nghiệp dư, những cá nhân tự phát mà ngay cả những diễn viên chuyên nghiệp và những nhà sản xuất lớn cũng không phải ngoại lệ, đơn cử như: Chuỗi phim hài ngắn với sự tham gia của diễn viên Trung Ruồi từ nhiều năm trước A Lử lên tỉnh đã thu hút được đông đảo người xem trên Youtube. Hình tượng nhân vật A Lử được xây dựng là một người dân tộc thiểu số vùng cao đến đô thị. Nhân vật này có trang phục, hành động, biểu cảm, lời thoại ngô nghê được cho là không phù hợp với văn hóa của người dân tộc thiểu số.
PGS.TS. Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thị Tình, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc
Theo các chuyên gia văn hóa, rõ ràng người làm nội dung của các Viddeo Clip đang không nắm vững những nét cơ bản về văn hóa các dân tộc. Không chỉ có vậy, các clip hài nói trên không chỉ chứa đựng những nội dung độc hại, phản văn hóa mà nghiêm trọng hơn chúng còn truyền bá cái nhìn lệch lạc về bản sắc văn hóa và phẩm chất nhân cách của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo lên những hiểu lầm, đánh giá sai lệch và cả những định kiến xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình đẳng của các nhóm tộc người và sự thịnh vượng chung. PGS.TS. Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thị Tình, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc cho rằng, “ … Những tồn tại hiện nay mà chúng ta thấy có những cái phản cảm, có những cái không có tác dụng đích thực hoặc không mang mục đích đích thực thì đấy là điều đáng tiếc. Ví dụ như khăn của dân tộc này lại dùng vào làm khố của dân tộc khác thì không nên, thể hiện thiếu sự tôn trọng, thiếu hiểu biết. Khi đã hành nghề thì nên có những kiến thức cơ bản nào đó nhất định để mình sử dụng những giá trị văn hóa vừa là để bảo tồn, vừa là để phát huy, vừa là để tôn vinh chứ không phải sử dụng để mang yếu tố mua vui, câu view làm sai lệnh bản chất … ”
Sản phẩm giải trí được những nhà sản xuất và đội ngũ của mình mất nhiều công sức để tạo ra. Nhưng nếu nội dung của nó không đúng, sai lệch, đi ngược lại những giá trị văn hóa dân tộc bản địa thì sẽ tạo ra sự phản cảm lan rộng. Nguy hiểm hơn, những Video Clip này sẽ để lại ấn tượng xấu xí, cái nhìn méo mó về người dân tộc thiểu số. Theo Ts. Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học “Người ta đôi lúc cũng có lấy điểm xấu của một nhóm nhất định để trọc cười, nói về cái xấu để phê phán nó. Khi Anh nói về hài người DTTS thì anh không được để người xem người ta cảm nhận thấy rằng như là bản chất của cả một cộng đồng. Cái hài rất rẻ tiền, tiếng cười của nó thoảng qua một cái rất nhanh nhưng có thể dẫn đến nước mắt của một cộng đồng lớn. Mà thận chí còn mang tính chất định hướng lệch lạc đối với một bộ phận công chúng như là công chúng trẻ… ” Trước tình trạng trên, mới đây, Ủy ban Dân tộc đã có công văn số 445 gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube A Hy TV và sẽ tiếp tục kiến nghị xử lý một số kênh khác trong thời gian tới.
Truyền thông đại chúng có thể tác động mạnh lên nhận thức người xem. Các cá nhân, tổ chức hãy thật cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện các sản phẩm hài có sử dụng hình ảnh, trang phục, ngôn ngữ của đồng bào DTTS. Không nên sử dụng hình ảnh không đúng với truyền thống tốt đẹp của người dân tộc thiểu số, phản ánh sai lệch bản sắc văn hóa dân tộc… ảnh hướng lớn đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số nói riêng. Đồng thời, các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa thông tin cần có chế tài mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.
Kịp thời xử lý
Ngày 13/5/2020. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản số 1752 trả lời chất vấn của Đại biểu Mùa A Vàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Theo đó, đối với việc xử lý kênh Youtube đã sản xuất và phát hành các đoạn video Clip sử dụng hình ảnh, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số có nội dung, lời thoại không phù hợp gây bức xúc dư luận như A Hy tivi và Bảo Bảo Film. Bộ Thông tin và truyền thông đã lập tức yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ trên mạng xã hội Youtube và Google đã gỡ bỏ 2 kênh này theo như yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông. Hiện tại, Bộ Thông tin và truyền thông đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan truy tìm nhằm xác định nhân thân của chủ kênh A Hy tivi và Bảo Bảo Film để có biện pháp xử lý phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Ngoài ra, Bộ Thông tin và truyền thông cũng tiến hành rà xoát, phát hiện trên Youtube hiện còn tồn tại một số kênh có tên gọi và nội dung tương tự. Bộ đang tiếp tục yêu cầu Google chủ động rà xoát, ngăn chặn, gỡ bỏ các Video clip, kênh sử dụng hình ảnh, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số có nội dung, lời thoại không phù hợp với văn hóa của người dân tộc thiểu số, vi phạm pháp luật Việt Nam. Đối với các giải pháp của Bộ trong thời gian tới nhằm quản lý các kênh Youtube và biện pháp xử lý các kênh này. Bộ sẽ tiếp tục đấu tranh với Google nhằm nâng tỉ lệ đáp ứng yêu cầu của Bộ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, các kênh vi phạm lên mức cao nhất. Đồng thời yêu cầu Google cung cấp các danh sách Công ty quản lý đa kênh của Youtube tại Việt Nam để từ đó nắm được thông tin về nhân thân chủ các kênh Youtube để có biện pháp xử lý kịp thời khi các kênh thông tin vi phạm pháp luật. Cùng với đó là phát huy hiệu quả của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia nhằm rà soát, phát hiện kịp thời các nguồn thông tin vi phạm và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người sử dụng internet và mạng xã hội.
Xử lý dứt điểm
Thời gian gần đây, hình ảnh người dân tộc thiểu số được các cá nhân, đơn vị truyền thông sử dụng trong những bộ phim hài hay video quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, nội dung của những sản phẩm này lại phản ánh chưa đúng về bản chất tốt đẹp của người dân tộc thiểu số, gây hiểu nhầm cho cộng đồng về bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số. Vậy pháp luật có những quy định như thế nào về vấn đề này? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nuwocs ra sao? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này tái diễn? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Mùa A Vảng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên về vấn đề này:
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông thin truyền thông. Xin Đại biểu vui lòng cho biết là xuất phát từ nguyên nhân nào khiến cho Đại biểu quyết định chất vấn về những vấn đề như đã đề cập ?
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Khi một số kênh youtube phát những video, clip liên quan đến clip hài về trang phục, những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, có hai kênh A Hy TV và Bảo Bảo Film thì khán giả là người dân tộc thiểu số cũng có ý kiến không đồng tình với những video, clip đã đăng tải những hình ảnh, lời thoại không phù hợp với lại văn hóa của các dân tộc thiểu số đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, đồng bào dân tộc Thái. Trong đó, sử dụng không chỉ hình ảnh không đúng về trang phục mà còn có những ngôn từ tế nhị hay nói cách khác là dùng từ ngữ thô thiển trong đời sống, sinh hoạt lại được sử dụng trong các video này. Cho nên, khán giả là đồng bào dân tộc thiểu số phản ứng và không đồng tình. Xuất phát từ thực tế này, tôi đã gửi văn bản chất vấn nội dung này tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông để có biện pháp kịp thời xử lý những kênh youtube như đã nêu ở trên.
Phóng viên: Ngày 13/5 Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản số 1752 trả lời những vấn đề mà Đại biểu đã chất vấn. Với vai trò là Đại biểu dân cử, Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông?
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Tôi đã nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trong khoảng thời gian rất ngắn. Bộ trưởng đã trả lời kịp thời, đầy đủ nội dung tôi chất vấn. Trong đó, Bộ trưởng cũng đề ra nhiều giải pháp rất là cụ thể để xử lý các kênh youtube mang nội dung, hình ảnh không phù hợp như trong nội dung chất vấn đã gửi tới Bộ trưởng.
Phóng viên: Thời gian qua, một số các phương tiện truyền thông cũng như các trang mạng xã hội đã sản xuất và phát hành các đoạn video clip sử dụng hình ảnh, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số có nội dung, lời thoại không phù hợp với văn hóa của người dân tộc thiểu số. Theo Đại biểu thì vấn đề này sẽ gây ra những hệ lụy gì?
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Đồng bào các dân tộc thiểu số không phản đối việc sử dụng trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số để đóng phim nhưng bức xúc về lời thoại, hành động trong phim không phù hợp và có những đoạn cũng rất tế nhị nhưng lại đưa ra để làm phim, clip. Điều này tạo ra sự phản ứng, không đồng tình và nhân cơ hội đó có những phần tử lại tranh thủ những bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số để chia sẻ, kích động trên mạng xã hội. Điều này, gây tác động xấu trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh là vô cùng cần thiết.
Phóng viên: Mặc dù Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, tuy nhiên vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo Đại biểu thì do các quy định pháp luật của ta chưa đủ sức răn đe hay còn những nguyên nhân nào khác ?
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Tôi thấy rằng, Luật an ninh mạng đã được ban hành và kèm theo đó là nhiều quy định. Tôi thấy quy định của chúng ta đã khá chặt chẽ, toàn diện thế nhưng thực tế phạm vi chúng ta quản lý và cơ sở, nhân lực để chúng ta quản lý, theo dõi vẫn còn hạn chế. Do mới triển khai nên còn chưa kịp thời để ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hiện nay đa số người dân đều có điện thoại thông minh, việc sản xuất các clip có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng. Vì vậy, việc theo dõi, quản lý vấn đề này thực sự cũng là thách thức, khó khăn đối với các cơ quan chức năng. Tôi cũng hy vọng thời gian tới đây thì những nội dung này, không riêng gì liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số mà cả những thông tin xấu, độc trên mạng cũng cần phải gỡ bỏ và quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Theo Đại biểu thì thời gian tới, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ gì để có thể hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng này?
Đại biểu Mùa A Vàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Luật an ninh mạng đã được ban hành và có hiệu lực, tôi rất mong muốn tới đây các cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh công tác quản lý theo đúng những quy định của pháp luật đã được Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để mỗi tổ chức, cá nhân nhận thức rõ những nội dung nào nên làm và nội dung nào không nên làm; hạn chế được việc tăng tải nhiều video, clip tràn lan trên mạng mà không kiểm soát được, quản lý được gây bức xúc trong cộng đồng. Các cá nhân, tổ chức khi sản xuất phim, clip cũng cần có kiến thức đầy đủ để sử dụng hình ảnh đúng; chương trình cũng cần có kiểm duyệt chặt chẽ trước khi tiến hành đăng tải.
Từ diễn biến thực tế cũng như ý kiến của Đại biểu Mùa A Vảng có thể thấy. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhất quán quan điểm thực hiện chủ trương các dân tộc bình đẳng và cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và định kiến, gây chia rẽ dân tộc. Do đó, các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm vào cuộc xử lý quyết liệt, dứt điểm việc đưa thông tin, hình ảnh sai lệch, không đúng với thuần phong, mỹ tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, hạn chế những vi phạm tương tự; đồng thời góp phần tăng cường môi trường bình đẳng, đoàn kết để các dân tộc cùng phát triển, vươn lên./.