ĐBQH LÊ QUANG TRÍ GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

06/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm “nơi thường trú” và “nơi tạm trú” và bỏ Điều 14 trong Dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Quang Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia ý kiến một số vấn đề sau.

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 2, tại khoản 10 giải thích cụm từ “nơi thường trú” và tại khoản 11 giải thích cụm từ “nơi tạm trú”. Theo đại biểu, cách giải thích này là chưa rõ, Ban soạn thảo cần bổ sung làm rõ thời gian công dân sinh sống tối thiểu vào các cụm từ này, vì thực tế rất nhiều công dân đăng ký thường trú ở địa chỉ này nhưng thực tế sinh sống, học tập và làm việc chủ yếu ở nơi khác làm cho công tác quản lý cư trú gặp khó khăn. Ngoài ra, hiện nay các địa phương căn cứ vào dữ liệu cư trú để xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch cơ sở hạ tầng, nếu dữ liệu cư trú không đúng sẽ làm quá tải cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cũng như cơ sở hạ tầng, gây áp lực rất lớn cho một số địa phương trong việc đảm bảo nhu cầu cơ bản của công dân. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm “nơi thường trú” và “nơi tạm trú”.

Thứ hai, về nơi cư trú của vợ chồng tại Điều 14, các nội dung tại điều này không điều chỉnh bất kỳ quy định nào khác trong luật, do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ Điều 14.

Thứ ba, về điều kiện đăng ký thường trú tại khoản 3 Điều 20, về điều kiện công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án, theo đại biểu cả 2 phương án này chưa phù hợp, chưa đủ điều kiện. Vì công dân đăng ký thường trú tại một nơi nào đó thì phải thật sự sinh sống ổn định, lâu dài ở nơi đó và phải có không gian sống tối thiểu. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định điều kiện được đăng ký thường trú tại khoản này như sau: "Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu và đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên".

Thứ tư, về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú tại Điều 32. Theo đại biểu, nếu công dân bị xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú như quy định tại Điều 24 và Điều 29 của luật này thì công tác quản lý cư trú sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, quy định trách nhiệm của cơ sở lưu trú, quy định trách nhiệm của các đơn vị có sử dụng lao động, quy định trách nhiệm của các hộ gia đình có người đến lưu trú trong việc ghi nhận thông tin của người lưu trú thông báo đến cơ quan đăng ký cư trú để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thứ năm, về điều khoản thi hành tại Điều 38, đại biểu chọn phương án 1, kể từ ngày có hiệu lực thi hành sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022 để đảm bảo sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân./.

Minh Hùng