ĐBQH BÙI QUỐC PHÒNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

07/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo có quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của công dân khi không thực hiện đúng quy định của luật.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu góp ý dự thảo luật, đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản nhất trí với dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu đồng tình quy định thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, nhưng đề nghị Chính phủ trong tổ chức thực hiện cần có lộ trình cụ thể cả về phương án triển khai và nguồn lực đảm bảo để hạn chế tối đa việc xáo trộn khi luật có hiệu lực thi hành.

Thứ hai, về Điều 2, giải thích từ ngữ. Tại khoản 10 quy định: nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Theo đại biểu, xác định như vậy là chưa phù hợp, vì thực tế hiện nay việc công dân vắng mặt tại nơi đã đăng ký thường trú thời gian kéo dài trên 1 năm diễn ra ở nhiều địa phương và khá phổ biến. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung trên.

Thứ ba, về các hành vi bị nghiêm cấm. Tại khoản 2 Điều 7 quy định: lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân, bởi thực tế vừa qua các cơ quan, đơn vị đã tích cực thực hiện cải cách các thủ tục hành chính nhưng nhiều khi vẫn còn gây phiền hà cho người dân, yêu cầu người dân phải xuất trình đủ các loại giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự.

Đại biểu bày tỏ đồng tình dự thảo luật quy định tại khoản 4 Điều 38 về việc yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục giao dịch và hạn chế việc sử dụng thông tin nơi cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ hai, Điều 16 về nơi cư trú của những người sinh sống, làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc các phương tiện khác có khả năng di chuyển. Đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa chi tiết khoản bổ sung trách nhiệm của công dân, hộ gia đình trong việc chấp hành các điều kiện kiểm tra của cơ quan chức năng để thuận lợi trong thực hiện luật.

Điều 20, về điều kiện đăng ký thường trú. Đại biểu tán thành việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương, như vậy là phù hợp, bởi luật hiện hành đã quy định nhưng thực tế cho thấy chưa có hiệu quả. Dù có quy định hay không thì người dân vẫn sinh sống ở đó, vẫn di dân và vẫn tăng dân số cơ học dẫn tới một tỷ lệ khá lớn người dân tạm trú không ổn định, gây khó khăn trong quản lý cư trú và kiểm soát an ninh, trật tự tại địa phương, cùng với đó cũng là việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là quyền cơ bản của trẻ em được đi học, được chăm sóc y tế đối với những trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú, không có nơi thường trú và tạm trú hợp pháp. Riêng đối với các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu đồng tình với các giải pháp đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại điểm b khoản 3 của Điều 20, đại biểu nhất trí với phương án 1 là việc bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người, bởi mức tối thiểu 8m2 hoặc cao hơn cho một người cũng là mức đã được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu và phải hoàn thành trong năm 2020 của hầu hết các địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Như vậy, quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều và thống nhất giữa các địa phương về quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong thực hiện luật.

Thứ ba, Điều 24, xóa đăng ký thường trú. Tại điểm d khoản 1 có quy định: Vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng. Đại biểu đồng tình việc xóa đăng ký thường trú, cụ thể là chỉ xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa và việc xóa cũng không ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch của công dân và không tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định như vậy nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong đăng ký cư trú và cũng giúp cho các cơ quan quản lý nắm chắc và nắm chính xác đối với dân cư trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú ảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của công dân khi không thực hiện đúng quy định của luật.

Thứ tư, về điều kiện đăng ký tạm trú tại khoản 2 Điều 27, đại biểu đồng ý với phương án 1, thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần. Quy định như vậy cũng giúp cho công dân thuận lợi trong việc chấp hành pháp luật, vì thực tế người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài hoặc đăng ký cư trú vào những nơi mà họ chỉ thuê mượn hợp pháp hoặc ở nhờ và cũng là biện pháp giúp cho địa phương quản lý dân cư trên địa bàn nhưng cũng thúc đẩy và yêu cầu người dân chuyển sang đăng ký thường trú khi có đủ điều kiện. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục và gia hạn thủ tục tạm trú để thực hiện.

Về Điều 38, điều khoản thi hành, đại biểu tán thành phương án 1 của khoản 3 về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2022, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và các cơ quan chức năng trong quá trình chuẩn hóa, và chuyển tiếp theo luật./.

Minh Hùng