Trường đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Mặc dù mới được thành lập (năm 2017), tuy nhiên chỉ sau 3 năm, văn phòng hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành địa chỉ thân thuộc của nhiều bạn sinh viên mong muốn khởi nghiệp sáng tạo từ khi còn trên ghế nhà trường.
Sinh viên Đào Thị Trang, Khoa Công nghệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Em nghĩ trong quá trình học tập thì ngoài kiến thức mà nhà trường truyền đạt cho mình, sinh viên cần có những chương trình để kết nối với các doanh nghiệp cũng như các chương trình khởi nghiệp áp dụng vào thực tế thì sẽ rất thuận lợi cho việc định hướng công việc tương lai có nên tiếp tục theo con đường khoa học không, có thêm thế mạnh khởi nghiệp lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực được đào tạo.”
Sinh viên Nguyễn Tô Hưng, Khoa Công nghệ môi trường, Đai học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: “Em nghĩ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp cho sinh viên làm quen với môi trường khởi nghiệp sớm hơn. Sau khi ra trường, các bạn sẽ có kinh nghiệm chọn những công ty, doanh nghiệp phù hợp và ứng dụng chính những đề tài nghiên cứu của các bạn vào một số dự án khởi nghiệp Staup do chính các bạn làm chủ. Hy vọng là có nhiều hơn những đề tài nghiên cứu cho chính những sáng tạo đó, giúp sinh viên định hướng rõ ràng hơn trong khởi nghiệp và công việc tương lai.”
Năm 2016, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt nhằm mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Năm 2017, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai đề án không gian khởi nghiệp tạo không gian phục vụ hoạt động kết nối ý tưởng, kích thích sáng tạo cho sinh viên. Qua đó, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đánh thức các ý tưởng đề tài dự án khởi nghiệp trong sinh viên, tạo tiền đề cho các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hướng tới tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các buổi toạ đàm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tập huấn kỹ năng xây dựng dự án khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp…được nhà trường chú trọng.
Startup Việt Nam vươn ra quốc tế để quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút đầu tư
Tiến sỹ Trần Thị Huyền Nga, Giảng viên Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nôi cho biết: “Dự án mà mình đang thực hiện có tên là Lapsale, tức là chia sẻ phòng thí nghiệm. Dự án này xuất phát từ lớp học về khởi nghiệp của Đại học Quốc gia. Cái việc cần thiết thiếu về nơi có các phân tích trong phòng thí nghiệm cũng như là chia sẻ hoá chất, thiết bị cũng như dụng cụ. Đối tượng mình hướng tới chủ yếu trong VNU, tức là trong Đại học Quốc gia cho giảng viên, cho nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, cao học và sinh viên. Tuy nhiên, tới lúc đưa ra thực hiện cho tới bây giờ thì lại có một số đơn hàng bên doanh nghiệp khá nhiều.”
Thạc sỹ Nguyễn Duy Thiện, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Khoa học vật liệu, Khoa vật lý trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Các sản phẩm được nghiên cứu trực tiếp từ các đề tài nghiên cứu, công bố bài báo quốc tế, các bài báo khoa học. Sau đó là nghiên cứu ứng dụng rồi phát triển sản phẩm. Vậy khi đã ứng dụng được ra ngoài, lúc đó chúng ta lại có điều kiện để đánh giá và nhìn nhận lại quá trình đào tạo và nghiên cứu. Như vậy, không những xã hội được thụ hưởng thành quả nghiên cứu mà những nghiên cứu đó còn được đánh giá lại và áp dụng, truyền đạt lại cho thế hệ sinh viên tiếp theo.
Năm 2019, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai “Đề án 1665 - Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đặc biệt, năm học 2019 - 2020, nhà trường đã tổ chức chuỗi hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tuyến về định hướng nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm trên các kênh quảng bá của nhà trường. Trong năm học 2019 - 2020, văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp dưới sự hỗ trợ của đề án đổi mới công tác học sinh, sinh viên của Đaị học Quốc gia Hà Nội hoạt động và triển khai một số công việc tương đối hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp, tìm kiếm nguồn học bổng tài trợ, tổ chức cho sinh viên tham quan các cơ sở sản xuất như gặp mặt, giao lưu với cựu sinh viên là nhà tuyển dụng Biomedic, An Thi, Quỹ Đào Minh Quang…; tham quan cơ sở sản xuất Acecook, Samsung, Ajinomoto…
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, phòng công tác học sinh, sinh viên Khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Phòng công tác sinh viên là đơn vị hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong các phong trào tư vấn hướng nghiệp. Sau này thêm một chức năng nữa là khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên cùng với các phòng ban khác trong nhà trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, đào tạo các kỹ năng mềm, tư vấn, hướng nghiệp và việc làm…Tổ chức các hoạt động, triển khai các dự án của sinh viên trong nhiều hoạt động, chương trình…Trong những năm gần đây, dự án của sinh viên đã được doanh nghiệp, các đơn vị tư nhân thực hiện được các bạn triển khai tương đối tốt. ”
Giáo sư, tiến sỹ Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Đây là một chủ trương tốt của Đảng và Nhà nước thể hiện sự quan tâm tới giáo dục. Trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi cũng đã có một hệ thống văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ, sinh viên hỗ trợ các bạn trẻ có điều kiện, cơ hội để tiếp xúc với những đơn vị ngoài thị trường để các bạn có thể nắm bắt những nhu cầu, xây dựng những ý tưởng cho mình để hiện thực hoá ý tưởng trong thực tiễn.”
Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội là ngôi trường hàng đầu ở Việt Nam đào tạo cơ bản các ngành về khoa học tự nhiên và khoa học trái đất. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị các kiến thức nền tảng vững chắc có thể tham gia công tác ở nhiều đơn vị nghiên cứu và ứng dụng. Đây là một trong những điều kiện để sinh viên có thể sáng tạo, khởi nghiệp bền vững.
Còn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường gắn với chuyển giao cho thực tiễn sản xuất luôn được chú trọng với hơn 40 ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho các địa phương, khơi dậy niềm đam mê của thầy và trò để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới và khởi nghiệp thành công.
Một gian trưng bày tại Chương trình Bệ phóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Bà Lê Huỳnh Thanh Phương, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Hoc viện đã thành lập 05 nhóm nghiên. cứu mạnh và có đầy đủ trên lĩnh vực từ cơ bản tới ứng dụng và xây dựng 82 mô hình công nghê, khi các mô hình thành công sẽ chuyển giao. Ngoài khu vực miền Băc thì tại Miền Trung có các tỉnh như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An; Miền Nam có triển khai ở 05 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian tới, học viện tiếp tục hoạt động nghiên cứu và phối hợp với doanh nghiệp rồi chuyển giao xuống địa phương theo chuỗi.”
Đặc biệt, vừa qua trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai giảng dạy trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams để đảm bảo tiến độ học tập cho sinh viên. Đó cũng là cách để nhà trường tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở để sinh viên có thể tiếp nhận tri thức ở bất cứ đâu, thời gian nào; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao, bạy bén với thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ Nông nghiệp, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập ra nhóm nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong việc nghiên cứu về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Nhóm này nòng cốt là các thầy cô giáo nghiên cứu được đào tạo từ các nước phát triển trong lĩnh vực như dữ liệu lớn, chuỗi khối và phối hợp với các thầy cô có chuyên môn bên các ngành kỹ thuật như cây trồng, chăn nuôi, quản lý đất đai, thú y… Các nhóm này có nhiệm vụ cùng nhau xây dựng các ý tưởng phát triển để triển khai các dự án vào thực tiễn sản xuất.”
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - một trong những trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh lớn nhất cả nước. Bên cạnh các chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường cũng thường xuyên tổ chức các khoá bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các cán bộ kinh tế; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và khởi nghiệp.
Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp sinh viên Kinh tế Quốc dân NEURON 2020
Em Nguyễn Ngọc Duy, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ: “Các trường đại học ở Việt Nam, mặt bằng là các thầy cô giáo không quan tâm tới kết quả thể hiện của học sinh mà chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng trong kỳ thi nên em nghĩ là vấn đề này cần phải chú trọng hơn. Quan tâm tới năng lực xã hội của sinh viên trong khởi nghiệp, môi trường xã hội, cộng đồng là điều cần thiết.”
Có thể thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học hiên nay đã có những nỗ lực đổi mới, đặc biệt một số cơ sở có bứt phá trong các xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay trong hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp là cán bộ phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo bài bản về khởi nghiệp; các ý tưởng sáng tạo của sinh viên chưa có tính khả thi cao để nhận được tài trợ nhiều từ doanh nghiệp; số lượng sinh viên tập trung vào hướng nghiệp tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục tiêu cao nhất. Một số ít sinh viên định hướng đi học nâng cao ở nước ngoài. Sinh viên là những người có khát vọng, đam mê, nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp nhưng thiếu các điều kiện để hiện thực hóa.
Em Nguyễn Thanh Trân, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân bảy tỏ: “Bên nước ngoài, người ta sẽ làm theo mô hình một trường đại học đào tạo nhiều chuyên ngành hơn thì nước ta cũng nên làm theo mô hình đấy. Theo em như vậy là hợp lý trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay.”
Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 mở ra cơ hội, tạo môi trường cho học sinh sinh viên, cũng như mỗi nhà trường được trở thành một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần xây dựng lên nền tảng vững chắc cho kim tự tháp đổi mới - sáng tạo - khởi nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là “người thắp lửa” cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tham gia, thể hiện rõ nét vai trò kết nối, bảo lãnh cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nguồn vốn con người, vốn trí tuệ cùng với công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất để giúp các quốc gia phát triển bứt phá. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Khởi nghiệp của thế hệ trẻ chỉ thành công khi đặt trong một hệ sinh thá i mà mỗi người tham gia cùng có lợi, cùng cảm thấy có động lực. Chỉ đến khi nào hệ sinh thái khởi nghiệp lan tỏa thành tự thân của mỗi người khi đó mới thành quốc gia khởi nghiệp.
Cần có chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học
Theo các chuyên gia cũng như Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, các trường đại học ở Việt Nam cần tăng cường vai trò chủ thể của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có giải pháp khuyến khích kèm theo bắt buộc các trường đại học, đặc biệt là đại học công nghệ triển khai mạnh hơn chức năng nghiên cứu và kết nối với khu vực công nghiệp, doanh nghiệp. Trường đại học phải là các chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp. Vậy thực tế này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Đánh giá của Đại biểu về thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các trường đại học hiện nay ở nước ta?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Việt Nam là một nước đang phát triển, do vậy nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn đang hạn chế. Do vậy, để khích lệ cho một quốc gia cùng có mức thu nhập thì Việt Nam đòi hỏi cần phải có những giải pháp căn cơ để đưa nguồn lực của đất nước phát triển cùng với các nước theo sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ.
Phóng viên: Báo cáo của Chính phủ đã đề cập nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa chủ động ứng phó với dịch Covid-19 và vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Đánh giá của đại biểu về sự chủ động của ngành giáo dục đào tạo trong việc gắn kết giữa các trường Đại học với doanh nghiệp?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Rõ ràng là trong thực tế những năm vừa qua, gắn với bối cảnh của dịch bệnh thì lúc đầu còn có nhiều sự lúng túng để triển khai nhiệm vụ học tập, giảng dạy nói chung. Đồng thời, việc khắc phục và xử lý tình huống khi mà đại dịch covid xảy ra như thế nào. Chúng tôi cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những bước chủ động trong quá trình xử lý việc dạy và học trực tuyến. Mặc dù mô hình dạy và học trực tuyến đấy đang là giải pháp tình thế và đem lại hiệu quả nhất định.
Phóng viên: Đâu là nguyên nhân để các trường Đại học, viện nghiên cứu phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt hình thành hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, thưa đại biểu ?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cần phải có sự phát huy mô hình đào tạo mới, áp dụng công nghệ khoa học cũng như trong các trường đại học, hình thành các viện nghiên cứu để phát huy vai trò của Trường đai học. Từ đó, nghiên cứu ra những mô hình kết hợp giữa nhà trường có sự chủ động với các doanh nghiệp cùng với sự quản lý của nhà nước để từ đó tạo ra một thế chân kiềng, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, khuyến khích cho mô hình đào tạo phát huy hiệu quả hơn. Qua đó, tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Phóng viên: Theo Đại biểu, vai trò của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hoá, sự phát triển của các trường Đại học trong quá trình hội nhập chung của đất nước?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Rõ ràng chúng ta thấy bất kỳ một xã hội nào, nhất là Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì năng suất lao động là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Do đó, nguồn lực tạo ra năng suất, bên cạnh sự phát triển khoa học công nghệ thì phải có yếu tố con người làm chủ được khoa học công nghệ. Từ đó, áp dụng các nghiên cứu cải tiến của thế giới để tạo ra năng suất lao động cao hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Vấn đề môi trường sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trong các trường đai học để tạo ra nguồn lực cao giữa nhà trường và doanh nghiệp. Qua đó có sự tương tác hữu cơ: Nhà trường đào tạo ra nguồn lực, doanh nghiệp đón nhận ngay những nguồn lực để từ đó bắt nhịp ngay vào lao động sản xuất. Như vậy, sẽ góp phần tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quan trọng về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam (Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ”, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Các văn bản này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề đào tạo về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo trong các trường đại học và cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước tới môi trường khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo Đại biểu Quốc hội, nếu cách tiếp cận về vai trò trường đại học trong nền kinh tế nhấn vào yếu tố nội lực của trường đại học để đổi mới sáng tạo, thì cách tiếp cận về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp cho thấy tính hiệu quả khi đưa sản phẩm dịch vụ từ trường đại học ra bên ngoài và thương mại hóa./.