GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

08/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, một trong những vấn đề đại biểu quan tâm cho ý kiến là vai trò của khoa học công nghệ trong các trường đại học. Đại biểu Quốc hội đề xuất cần có chính sách thúc đẩy Khoa học công nghệ trong các trường Đại học, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hoá, sự phát triển của các trường Đại học trong quá trình hội nhập chung của đất nước.

Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy giáo dục đại học 

Tại phòng thí nghiệm Trung tâm Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nghiên cứu và giảng dạy được đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, giáo sư tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm, ứng dụng sâu trong thực tiễn giảng dạy và sản xuất. Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nhà trường đã được chuyển giao xuống các địa phương. 

PGS.TS Trần Thị Định, Trưởng Bộ môn Công nghệ Chế biến, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện nay, nhóm nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến thực phẩm. Những kết quả nghiên cứu đã giúp ích rất nhiều trong công tác giảng dạy. Bởi vì chúng ta biết mối quan hệ hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Từ những kết quả nghiên cứu khoa học, giảng viên sẽ cập nhật những kết quả đó đi vào bài giảng của mình để làm sao bài giảng sống động hơn. Thứ hai nữa là nghiên cứu khoa học còn phục vụ cho sự phát triển của xã hội. ”

Mới đây, tuần lễ kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mở đầu cho chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như đào tạo công nghệ cao trong đào tạo đại học cũng như trong nông nghiệp đất nước. Đã có gần 200 gian hàng từ 46 tỉnh thành trong cả nước tham gia, giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn. 

PGS.TS Nguyễn Viết Long, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Nông nghiệp, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam: “Trung tâm đổi mới, sáng tạo chúng tôi đang triển khai nhiều kỹ thuật mới như kỹ thuật làm mật ong, kỹ thuật hoa lan…Công nghệ đổi mới trong nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng thúc đẩy hiệu quả sản xuất tiên tiến. Chúng tôi giới thiệu 30 sản phẩm khoa học công nghệ khác nhau, có nhiều sản phẩm chúng tôi nghiên cứu mới như hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với thế năng của nước. Từ hai nguồn năng lượng thông dụng, chúng tôi kết hợp lại thành một hệ thống năng lượng để giải quyết các vấn đề về năng lượng sản xuất trong nhà kính, nhà lưới từ giống ong đã được nghiên cứu truyền thống trước đây. Hiên nay, chúng tôi ứng dụng để phối hợp nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra một hệ thống truy suất nguồn gốc, quản lý nhà ong minh bạch cho các doanh nghiệp xuất khẩu ong. Những nghiên cứu đều hướng tới việc gắn với thị trường và các cách làm mới sáng tạo hơn.”

Đặc biệt, tại tuần lễ, câu lạc bộ AP Group gồm 08 thành viên đến từ khoa công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học và nông học, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam đã giành giải nhì với đề án cải tiến và phát triển sản phẩm truyền thống từ gạo và hợp chất thiên nhiên tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2020. Với sứ mệnh nâng cao giá trị hạt gạo Việt và cải thiện đời sống của bà con nông dân vùng núi phía bắc, các thành viên câu lạc bộ hi vọng đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đóng góp một phần nhỏ vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước. 

Sinh viên Phạm Minh Hà, Khoa công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bảy tỏ: “Việt Nam là nước có nền nông nghiệp rộng lớn nhưng hầu hết sản lượng chưa được cao. Đó là do thiếu những người có lĩnh vực chuyên môn. Chính vì vậy, chúng em suy nghĩ và tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình học tập. Những kết quả này khi ứng dụng vào thực tiễn không chỉ giúp cho sinh viên như chúng em có những đề tài mới, những kinh nghiệm thực tế mà còn góp phần giúp người nông dân có thể ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ.”

Sinh viên Phan Thanh Hùng, Khoa công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: “ Phòng thí nghiệm trong này có tất cả các thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất giúp chúng em có thể thực hiện được chỉ tiêu phân tích về chất lượng nông sản. Từ đấy, mình sẽ có những hướng đi rõ ràng và thích hợp để có thể phát triển được về mặt nông sản. Có thể phân tích các chỉ tiêu của chất lượng nông sản và nghiên cứu ra những giống cây và cây trồng mới để mang lại năng suất hiệu quả. ”

Trong khuôn khổ của Tuần lễ kết nối Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020, có 16 doanh nghiệp được vinh danh với những sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong thời gian qua. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các đối tác trong và ngoài nước càng khẳng định hơn sự nhạy bén của nhà trường, với trọng trách giáo dục và nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy vai trò đổi mới, sáng tạo, đưa khoa học công nghệ vào giáo dục cũng như ứng dụng trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao giải cho các đội xuất sắc tại Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo 2020 

TS.Dương Văn Nhiệm, Trưởng Bộ môn thú y cộng đồng, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học là hoạt động cốt lõi của một trường đại học, nhất là đại học có tính ứng dụng cao như Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh, đưa khoa học công nghệ vào các trường, tôi cho rằng đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn và rất phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Và từng ngành nghề, ứng dụng phải có một cơ chế như là đầu tư tài chính, có khen thưởng, có cơ chế rõ ràng để thúc đẩy. 

Sinh viên Nguyễn Khánh Ly, Khoa Xã hội học, trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “ Sau khi học xong thì mình sẽ là một trong những người áp dụng những khoa học công nghệ mà mình đã học vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra năng suất và hiệu quả tốt nhất cho người nông dân trong lao động sản xuất. ”\

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo, đầu tư khoa học công nghệ cũng như công tác nghiên cứu khoa học trong trường gắn với chuyển giao cho thực tiễn sản xuất luôn được chú trọng. Đã có gần 60 đề tài với các địa phương, bộ ngành và hợp tác quốc tế từ năm 2016 tới năm 2020, hơn 40 ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho các địa phương, góp phần khơi dậy niềm đam mê của thầy và trò để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới và khởi nghiệp thành công. 

Còn tại Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội - Ngôi trường hàng đầu ở Việt Nam đào tạo cơ bản các ngành về khoa học tự nhiên và khoa học trái đất. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị các kiến thức nền tảng vững chắc có thể tham gia công tác ở nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với thực tiễn. Đây là một trong những điều kiện để sinh viên có thể sáng tạo, khởi nghiệp bền vững. 

Hàng nghìn người tham gia tìm hiểu, kết nối công nghệ và đầu tư tại Techfest Việt Nam

Ths.Nguyễn Duy Thiện, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Khoa học vật liệu - Khoa Vật lý trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Các sản phẩm được nghiên cứu trực tiếp, công bố bài báo quốc tế, bài báo khoa học, sau đó nghiên cứu ứng dụng. Như vậy, khi chúng ta đã ứng dụng được ra ngoài thì lại có điều kiện để đánh giá, nhận lại, phục vụ lại đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường. Như vậy, không những xã hội được thụ hưởng những thành quả nghiên cứu mà những kết quả đó lại đem ra phục vụ lại cho công tác giảng dạy những thế hệ sinh viên tiếp theo.”

Theo các chuyên giacùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học được coi là làn sóng thứ 5 trong lịch sử phát triển của khoa học công nghệ thì chúng ta lại đang thiếu các cán bộ đầu đàn giỏi, xứng tầm để “điều khiển dàn nhạc công nghệ sinh học nông nghiệp một cách nhịp nhàng, giải quyết được những hạn chế, tồn tại mà lĩnh vực công nghệ sinh học đang gặp phải”.  Chính vì thế, mặc dù mạng lưới các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học được thành lập ở nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu và ứng dụng.

Một thực tế nữa khiến nguồn nhân lực công nghệ nói chung và công nghệ cao nói riêng yếu kém về chất lượng là do năng lực ngoại ngữ, khả năng hiểu biết về văn hóa ứng xử, giao lưu quốc tế của phần lớn đội ngũ khoa học chúng ta còn tương đối hạn chế. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có dưới 50% số cán bộ khoa học có tham dự các hội nghị khoa học công nghệ quốc tế và quan hệ thường xuyên với cộng đồng khoa học quốc tế (Phạm Đức Duy, 2016). Điều này cho thấy, khả năng, năng lực tham gia hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “ Chỉ có đổi mới sáng tạo mới giúp ta có thể đặt chân vào chuỗi giá trị cao trong chuỗi giá trị để tạo ra được bước tăng trưởng đột phá. Các trường đại học chính là cái nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao, của đổi mới và sáng tạo. Tuy vậy, mức đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay còn đang rất thấp, 0,33% GDP. Trong khi các nước OECD, lượng sinh viên ít hơn, quy mô GDP thì lớn hơn, quy mô đầu tư cho giáo dục đại học của họ chiếm 1,1% GDP.”

TS.Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu quan điểm: “Nguồn lực con người, nguồn lực quý nhất và là một trong đột phá chiến lược thì chưa được chăm chút, phát huy hết vai trò, các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước. Vì vậy, trong các giải pháp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội 2021 và những năm tiếp theo cần chú trọng để phát huy mạnh mẽ giá trị con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần dân tộc.”

Luật số 21/2008/QH12 - Luật Công nghệ cao đã xác định tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ bao gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Tại Quyết định 37/2013/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020: Khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra nhiều công nghệ mới và là giải pháp đột phá, then chốt cho các trường đại học cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Và thực tế, thời gian qua, những thành tựu của ứng dụng khoa học công nghệ đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tăng trưởng xuất khẩu, giải phóng sức lao động của con người, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu mạnh mẽ hiện nay. 

Nâng cao vai trò của khoa học công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam 

Khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến: Khoa học công nghệ trong các viện nghiên cứu, các trường đại học ngày càng có vai trò quan trọng, hầu hết các nội dung trong các lĩnh vực như công nghệ số, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới đã được các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công nghệ giống. Những giống mới được tạo ra phù hợp với các điều kiện thay đổi của môi trường, có hiệu quả kinh tế cao...Điều này cho thấy khoa học công nghệ thực sự đã đi vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất ngày càng hiêụ quả. Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: 

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viênĐánh giá của Đại biểu về thực tế ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay trong các trường đại học ở nước ta? 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: ” Hiên nay, rất nhiều nhà khoa học hoạt động tích cực và làm rất tốt. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu triển khai nhiều nhưng cái mà có thể ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn phát triển sản phẩm còn hạn chế, khiêm tốn. Tôi rất muốn rằng làm sao để cho sản phẩm nghiên cứu đó gắn kết với thực tiễn tốt. Hiên nay, qua những hội thảo, diễn đàn, trao đổi với các nhà khoa học thì không phải nghiên cứu các sản phẩm, các đề tài là không có tính ứng dụng mà có thể sử dụng được các quy trình công nghệ và có thể áp dụng được vào thực tiễn nhưng bước chuyển giao để vào thực tiễn thực sự còn đang thiếu vắng. Làm sao để các nhà khoa học có thể có được những kết quả đó thì khâu trung gian, các trung tâm kết nối các nhà khoa học với thực tiễn doanh nghiệp với thực tế sản xuất còn đang thiếu và đang cần. 

Phóng viênPhát triển nhân lực công nghệ cao, đẩy mạnh khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước. Đánh giá của đại biểu về sự chủ động của ngành giáo dục đào tạo trong việc gắn kết giữa các trường Đại học với doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ? 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng thì rất tốt, cũng có định hướng như vậy. Các trường đại học cũng rất chủ động và mong muốn tìm kiếm các gắn kết giữa các doanh nghiệp, gắn kết với trường đại học chủ động. Tuy nhiên, vẫn trên mức độ quen biết: Các cựu sinh viên của mình làm các doanh nghiệp tức là thấy tự tìm kiếm. Cái mà để chúng ta tạo ra một phong trào mạnh mẽ, mang tính chất kích hoạt thực sự thì chúng ta cần có cơ chế mạnh hơn. Cần phải có những chế tài, cần có những động viên tích cực. Tức là để doanh nghiệp đến với trường đại học phải được quyền lợi gì, phải được ưu tiên gì, khác với cái là họ không tìm công nghệ từ trường đại học. Các nguồn lực để tái đầu tư lại cho trường đại học, đặc biệt là mô hình tự chủ. 

Phóng viên: Đâu là nguyên nhân để các trường Đại học, Viện nghiên cứu phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo vào quá trình đào tạo, thưa Đại biểu ?

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, nguồn nhân lực về khoa học công nghệ cao đều nằm ở các trường đại học, các viện nghiên cứu.  Hai chủ thể này cần phải gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, trường đại học và viện nghiên cứu, gần như phải gắn kết rất tốt. Ở Việt Nam thì có gắn kết nhưng chưa chặt chẽ, sản phẩm của chúng ta mà không đưa vào thực tiễn thì không có giá trị. Giống như là đề tài làm xong đút trong ngăn kéo, thế thì mình phải khơi thông cái này. Có nhiều vấn đề, bản thân các nhà khoa học định hướng nghiên cứu của mình phải có địa chỉ, cơ quan quản lý thì phải tạo ra được chính sách để giúp cho họ tạo ra thị trường khoa học công nghệ tốt. Từ đó giúp cho họ thương mại hoá sản phẩm, có những chính sách để doanh nghiệp cũng phải tìm tới đây để chúng ta có sự giao lưu thường xuyên. 

Phóng viên: Đánh giá của Đại biểu về vai trò của Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, sự phát triển của các trường Đại học trong quá trình hội nhập chung của đất nước ? 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Người ta nói nghiên cứu là sự sống còn của trường đại học. Nếu không có nghiên cứu thì không gọi là trường đại học. Như Việt Nam, ví dụ chúng tôi là 50% nghiên cứu, 50% đào tạo. Sắp tới, chúng tôi đang có chuyển đổi hướng và hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, những trường phái nghiên cứu để giải quyết những bài toán của thực tiễn. Vai trò của nghiên cứu khoa học với các trường đại học cực kỳ quan trọng, với đất nước thì lại vô cùng quan trọng bởi vì ta thấy là vừa qua thì khoa học công nghệ theo tổng kết đánh giá đóng góp làm tăng giá trị gia tăng của sản xuất lên hơn 30%, sắp tới các chủ trương, Nghị quyết của nhà nước có thể đẩy lên 70%. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu! 

Chủ trương, chính sách phát triển, nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo quốc gia, đẩy mạnh khoa học công nghệ đã được thể hiện trong Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 50 của Chính phủ. Phát triển nhân lực có trình độ khoa học công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ. Theo các Đại biểu Quốc hội, để ngày càng phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong các trường Đại học cần có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nghiên cứu và đào tạo, hỗ trợ hình thành và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ cao để cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực trong nghiên cứu và giảng dạy của nhà giáo song song với trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đồng thời có chính sách, chế độ đãi ngộ với giảng viên nghiên cứu và giảng dạy, chính sách về học bổng, tuyển dụng, thu hút sinh viên vào học các ngành công nghệ cao./. 

Kim Yến