Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và các dự thảo báo cáo đã gửi đến các đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo và dự thảo nghị quyết của Quốc hội khi đề cập đến doanh nghiệp nhà nước cần phải sát đường lối, chủ trương của Đảng về các thành phần kinh tế, về vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Thể hiện trong báo cáo và dự thảo nghị quyết chưa thấy được nội dung này. Theo quan điểm của đại biểu, đối với doanh nghiệp nhà nước cùng với việc tập trung cổ phần hóa, trong báo cáo cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp về sản xuất kinh doanh làm sao có hiệu quả để khắc phục hạn chế, bất cập, để kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước xứng đáng với vai trò chủ đạo đã được xác định trong Hiến pháp, trong Cương lĩnh của Đảng. Trong báo cáo và trong nghị quyết đang thiếu hẳn nội dung này, ta chỉ mới nói đến kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể mà chưa nói đến câu chuyện kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Vấn đề thứ hai, trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày có đánh giá: xuất hiện những hiện tượng đạo đức, văn hóa ứng xử xuống cấp, gây bức xúc xã hội. Đại biểu đồng tình với nhận định này và cho rằng thực trạng này không phải năm nay mới xuất hiện và nên đánh giá thực trạng này cùng với các loại tội phạm về ma túy, tai nạn giao thông rất đáng lo ngại. Đây cũng chính là ý kiến của cử tri, qua tiếp xúc cử tri đã phản ánh và rất quan tâm đến nội dung này. Tình trạng đạo đức xuống cấp, các loại tội phạm rất đáng quan tâm và từ đánh giá này, vì vậy cần phải xác định nhiệm vụ, giải pháp sát hợp căn cơ. Nhiệm vụ này là của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của người đứng đầu, của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn dân phải tập trung làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa; xã hội, bài trừ văn hóa, lối sống đi ngược thuần phong, mỹ tục; tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng; tăng cường học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Bác còn nói đến ước mơ bình dị của mỗi người dân, đó là được sống trong an bình. Trong báo cáo và trong nghị quyết không đề cập đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Chính phủ cần làm rõ vì sao tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, an toàn giao thông, các loại tội phạm này nhưng không có quyết tâm chính trị để tập trung ngăn chặn như đã tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Theo quan điểm của đại biểu hiện nay đã đến lúc ta xem tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, suy đồi về đạo đức cũng như dịch, như giặc để tập trung phòng, chống. Chỉ có như vậy mới có niềm vui trọn vẹn trước sự phát triển của đất nước.
Vấn đề thứ ba, đại biểu đồng tình với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cần tất quy hoạch ngành điện trong Sơ đồ điện 7 và Số đồ điện 8 trong thời gian tới. Đại biểu cũng cho rằng cần tập trung phát triển năng lượng sạch, đó là điện gió, điện mặt trời, điện khí đã được xác định trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Quốc hội có nghị quyết dừng 2 dự án điện hạt nhân, Chính phủ có Nghị quyết số 115, với cơ chế chính sách để cho Ninh Thuận, vùng dự án trong phát triển sản xuất đi lên, hỗ trợ cuộc sống của người dân. Cử tri rất mong khi dừng 2 dự án điện hạt nhân này thì sẽ được bố trí trong Sơ đồ điện 8 là 4.600MW để thay cho 2 dự án điện hạt nhân và trong Nghị quyết 115, Chính phủ đã xác định bố trí Trung tâm điện khí Cà Ná được khoảng 6.000MW. Hiện nay, Sơ đồ điện 7 bổ sung được 1.500MW, mong muốn được 4.600MW. Cùng nội dung này, đại biểu mong Chính phủ sớm cho ý kiến để quy hoạch điện hạt nhân ở 2 vùng dự án này sớm được đưa ra, để tỉnh có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, hiệu quả trong thời gian tới và cũng để đáp ứng mong muốn của nhân dân Ninh Thuận, được sử dụng quyền của mình trên mảnh đất của mình, 10 năm nay mà chưa được thực hiện.
Về cải cách hành chính. Trong báo cáo đại biểu cho rằng cần phải xử lý hợp lý yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, vị trí việc làm. Bởi vẫn còn có những bất cập, bất cập rõ ở một nội dung: yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ, biết tiếng dân tộc của mình. Rất bất hợp lý, đã biết thành thạo rồi mà bây giờ lại phải có chứng chỉ, xác định mình biết tiếng của mình, gây khó khăn cho cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị hiện nay./.