ĐBQH MAI THỊ ÁNH TUYẾT: QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHUẨN NHÂN LỰC THỰC HIỆN KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ THUỘC CẤP TỈNH, HUYỆN VÀ CẤP XÃ

16/12/2020

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đồng tình với quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã ở khu vực biên giới, tuy nhiên đề nghị quy định rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình bày với nhiều nội dung rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhất là diễn biến xu thế phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta.

Góp ý về chủ thể ký kết thỏa thuận thỏa thuận quốc tế,  Dự thảo luật quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Tại khoản 6 Điều 3 về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế có quy định Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế về giao lưu, trao đổi thông tin kết nghĩa giữa chính quyền địa phương cấp xã, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Căn cứ vào xu hướng và thực trạng của địa phương, đại biểu thống nhất như dự thảo. Tuy nhiên, để có một số vấn đề hoàn thiện, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, với khái niệm của Luật Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu bên ký kết nước ngoài không phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế. Với nội dung thỏa thuận quốc tế như Dự thảo luật đòi hỏi nhân lực thực hiện phải am hiểu pháp luật và chuyên môn sâu.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc khu vực biên giới, đa số là cán bộ phụ trách điều là kiêm nhiệm, kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật quốc tế nói riêng còn nhiều hạn chế, trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và đa dạng, phức tạp về thỏa thuận quốc tế, nhất là cán bộ cấp xã có điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là hợp tác thực hiện quản lý biên giới, phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện luật, đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ký kết thỏa thuận quốc tế thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để có cơ sở bố trí nhân sự thực hiện, công tác đào tạo và đào tạo lại nhân lực. Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng như Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, đề nghị nên bổ sung quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới trong ký kết thỏa thuận quốc tế để đảm bảo tính pháp lý và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế tại Điều 3, theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Ban soạn thảo gom chung nội dung nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế và các điều ước nghiêm cấm thỏa thuận quốc tế thành Điều 3 về nguyên tắc ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, nội dung tại điều này nhiều quy định còn chung và chưa bao hàm hết các hoạt động trong ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Thực tế, thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến pháp luật trong việc ký kết điều ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh cũng thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Điều 1 còn mang tính chung và chưa rõ hành lang pháp lý, nghiêm cấm cũng như nguyên tắc trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế, thực hiện thỏa thuận quốc tế. Do đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Dự thảo luật quy định nội dung nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế phải bao hàm các nội dung liên quan đến các nước và các chủ thể có liên quan đến nội dung này để thực hiện một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 của Dự thảo Luật cần bổ sung các nguyên tắc nghiêm cấm để khắc phục tồn tại từ khâu lập kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế do bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh chủ trì thực hiện để kịp thời tình Thủ tướng Chính phủ và cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Thực hiện thỏa thuận quốc tế, dự thảo cần quy định nguyên tắc và nghiêm cấm trong các hoạt động triển khai điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; kịp thời thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm; báo cáo về công tác thực hiện, giải quyết; việc phối hợp chặt chẽ, trao đổi và tham vấn kịp thời các bộ, ngành, địa phương công tác bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng. Việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết, thỏa thuận quốc tế, đôn đốc, kiểm tra và việc triển khai cam kết trong khuôn khổ quốc tế là cần thiết; Đồng thời, luật cần quy định các cơ chế, định chế, cần phải ràng buộc và xử lý trong dự thảo luật. Từ các quy định này sẽ tạo cơ sở, hành lang pháp lý về nguyên tắc cũng như nghiêm cấm khi ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế một cách chặt chẽ và khả thi khi triển khai thực hiện.

Vấn đề thứ ba được đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết góp ý đó là về ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, tại Điều 25. Tại khoản 3 Điều 25 quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư sẽ thực hiện các trình tự quy định tại dự thảo luật và quy định các cơ quan nhà nước từ trung ương, cấp tỉnh có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế. Quy định như vậy là chưa rõ, vì chưa đủ hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương và cả cơ quan có ý kiến là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở cùng thống nhất để thực hiện. Trong khi thực tế hiện nay nước ta có xu thế ký kết ngày càng nhiều các Hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định thương mại tự do và xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo thỏa thuận quốc tế về đầu tư ngày càng gia tăng. Vì vậy, tình hình rủi ro, tranh chấp do sai sót phía Việt Nam hoặc bên đối tác, hoặc là do cả hai bên diễn ra ngày càng phức tạp. Do đó, việc ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ hơn để có hành lang pháp lý thực hiện ngày càng chặt chẽ và phát huy hiệu quả khi luật có hiệu lực./.

Lan Hương