Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ.
Đánh giá cao và thống nhất với hầu hết nội dung tiếp thu và giải trình, chỉnh sửa dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, tuy nhiên trong phần về giải trình từ ngữ ở Điều 2, đại biểu để nghị bổ sung thêm nội dung giải thích một số cụm từ có đề cập trong dự án luật, nhằm đảm bảo hiểu và áp dụng thống nhất. Cụ thể như cụm từ "ký kết thỏa thuận quốc tế" để cắt nghĩa quy định tại khoản 6 Điều 3. Các tên gọi của các thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 6 như cụm từ "ý định thư", "bản ghi nhớ thông cáo, tuyên bố". Bên cạnh tại Điều 7 có quy định các thỏa thuận quốc tế nếu ký bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, trong dự luật này tên gọi các loại thỏa thuận quốc tế ghi thêm thuật ngữ tiếng Anh để dịch thuật đảm bảo chính xác và hiểu đúng nội dung của thỏa thuận vì tiếng Anh chắc chắn sẽ là ngôn ngữ được sử dụng trong hầu hết các thỏa thuận.
Tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc quy định thêm một số chủ thể của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như các ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì đây là các cơ quan tương đương với cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định này nhằm đảm bảo cho các chủ thể này có thể thực hiện được công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Về ký kết thỏa thuận quốc tế tại Chương II, mục 9 Điều 27 quy định hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế. Theo đó, có quy định nội dung về xin ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức liên quan đối với các chủ thể ký quy định tại Mục 1 đến Mục 5, đặc biệt chủ thể là nhân danh cơ quan bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Trường hợp nếu cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý thì phải trình Thủ tướng Chính phủ. Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Phương, quy định như vậy là khá nhiều thủ tục hành chính và cần nhiều thời gian. Trong bối cảnh chúng ta muốn mở rộng hội nhập với thế giới thì việc ký thỏa thuận cần được mở rộng, giảm thủ tục xin ý kiến. Đại biểu đề nghị dự án luật quy định giao cho Chính phủ ban hành quy định những lĩnh vực nào cần phải xin ý kiến Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan. Về thỏa thuận và các lĩnh vực khác thì giao cho chủ thể thỏa thuận thẩm quyền quyết định.
Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, nên gộp Điều 6 vào khoản 1 Điều 2 để quy định được phù hợp. Như vậy, Dự luật sẽ bỏ Điều 6 và khoản 1 Điều 2 được bổ sung thêm đoạn văn của Điều 6, đó là thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là thỏa thuận, thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế như công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định, v.v.
Đại biểu cũng đề nghị thay cụm từ ủy quyền cho 1 người khác bằng cụm từ ủy quyền theo quy định của pháp luật cho 1 người khác quy định tại điểm c khoản 4 Điều 15; điểm c khoản 4 Điều 17 và Điểm c khoản 4 Điều 19 của dự thảo luật để quy định được chặt chẽ và đầy đủ hơn./.