Qua nghiên cứu dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Rơ Châm Long bày tỏ tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đồng thời tham gia một số vấn đề cụ thể.
Về đối tượng áp dụng của Chương I, dự thảo luật trình 2 phương án. Đại biểu chọn phương án 1, bởi các khoản và thiết kế chặt chẽ, logic, khoa học, ràng buộc, có sự quản lý của Nhà nước, nhằm đảm bảo cả về pháp lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Vấn đề này đại biểu tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thỏa thuận quốc tế. Nếu như mở rộng đối tượng áp dụng như phương án 2, đại biểu lo ngại sẽ rất khó quản lý và cũng dễ dẫn đến mức độ rủi ro cao và khi giải quyết cho người lao động có tranh chấp khi đang làm việc ở nước ngoài.
Đại biểu Rơ Châm Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Tại Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm có 13 khoản, đại biểu Rơ Châm Long đề nghị gộp khoản 1 và khoản 3 thành một nội dung chung, vì các nội dung này gần giống nhau. Đồng thời, cần làm rõ về thực trạng người lao động bỏ trốn hoặc ở lại trái phép, để làm cơ sở pháp lý xử lý nghiêm về các hành vi sai phạm.
Tại Điều 24 Mục 1 Chương II, quy định về tiền dịch vụ cũng như xây dựng Quỹ. Qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Rơ Châm Long đề nghị bỏ quy định về việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ. “Thực tế tại điều này chưa quy định rõ ai sẽ quản lý số tiền này và nếu như xảy ra sự việc thì ai sẽ chịu trách nhiệm cụ thể và có dám chắc được sử dụng đúng mục đích hay không? Có đảm bảo được tính khách quan, công minh hay không?”, đại biểu nêu vấn đề.
Tại Chương VII, được quy định tại Điều 71 và 72, quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Rơ Châm Long cơ bản thống nhất với dự thảo luật, tuy nhiên, xét ở góc độ thực tế, cho thấy người lao động đi làm việc ở nước ngoài phần lớn là những người ở vùng nông thôn, trình độ không đồng đều, vùng khó khăn và có thu nhập thấp, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, v.v. họ muốn đi làm việc ở nước ngoài để thay đổi cuộc sống của họ, nhưng khi ra nước ngoài lao động họ lại có ý định thay đổi theo hợp đồng thì lúc đó cách giải quyết như thế nào là cả một vấn đề rất khó khăn. Đại biểu Rơ Châm Long đề nghị cần có quy định rõ về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tìm người lao động cũng như là trách nhiệm về mặt pháp lý, về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đại biểu, nên đưa vào luật quy định trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, để xây dựng, nâng cao công tác giám sát và quản lý phản biện xã hội cũng như làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Cuối cùng, đại biểu Rơ Châm Long đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời xúc tiến mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp với các địa phương để có phối hợp chặt chẽ tốt hơn.