Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung từ ngữ về "chủ hộ" và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chủ hộ để xác định chủ hộ có thẩm quyền cho hay không cho người khác, kể cả người thân của mình ở thường trú trong hộ gia đình của mình.
Về thủ tục đề cử chủ hộ, đại biểu thống nhất giao cho Tòa án quyết định chủ hộ trong trường hợp thành viên, chủ hộ gia đình không thống nhất, việc đề cử chủ hộ là phù hợp.
Về điều kiện đăng ký thường trú theo Điều 20 Luật Cư trú hiện hành, quy định đăng ký thường trú ở các thành phố lớn chặt chẽ hơn so với các địa phương khác, nhằm kiểm soát tăng dân số cơ học tại các thành phố. Nhưng thực tế các biện pháp hành chính không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Việc hạn chế di cư từ các vùng nông thôn ra các thành phố lớn có thể sẽ thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong khi đó, nếu không đăng ký thường trú cho những người sinh sống hợp pháp tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không quản lý hiệu quả dân cư ở các địa bàn này do người dân chuyển lao động học tập, sinh sống tại nơi đây. Do vậy, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương là thật sự cần thiết theo dự thảo, đảm bảo tốt nhất về quyền tự do cư trú của công dân.
Ngoài ra, đại biểu tán thành với dự thảo luật rằng cần phải quy định mức diện tích bình quân như ở phương án 1, là một trong các điều kiện để đăng ký thường trú chỗ ở, cho thuê, mượn, ở nhờ phải đảm bảo diện tích nhà tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người, nhằm đảm bảo cho mỗi người dân có chỗ ở, có diện tích sàn tối thiểu để dễ dàng sinh hoạt trong gia đình nếu nhiều người ở, nhiều thế hệ khác nhau. Mặt khác, phòng ngừa chủ nhà lợi dụng cho thuê, mượn nhà ở thường trú nhiều người để trục lợi, trong khi đó diện tích nhà thì rất chật hẹp, không đảm bảo sinh hoạt và mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh hiện hành. Vậy nên mỗi người dân đều có điều kiện quy định như dự thảo luật là được hưởng thường trú, không quy định thời gian tạm trú một năm mới được thường trú. Vì vậy, khi chủ nhà cho ở, nếu có những điều kiện cần thiết theo quy định thì cho được thường trú.
Về Điều 24, xóa đăng ký thường trú, đại biểu cho rằng điều đó là rất cần thiết. Theo đại biểu, nếu công dân vắng mặt thường trú từ 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an nơi mình thường trú. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng công dân bỏ nhà lang bạt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú theo phương pháp mới và nâng cao ý thức chấp hành luật của công dân về thường trú, tạm trú và nhiều năm khai báo với công an, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu của cơ quan chức năng. Mặt khác, để đảm bảo ý thức chấp hành pháp luật, công dân đi đến đâu chỉ cần báo cho chính quyền biết và cũng tránh tình trạng cư trú ảo, nhưng việc xóa đăng ký thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở mới cũng cần lưu ý công dân khi bị xóa đăng ký thường trú, nếu trở về khai báo với công an có lý do chính đáng hoặc ở nơi khác hợp pháp, đủ điều kiện theo quy định của Điều 21 thì được xem xét cho đăng ký thường trú lần 2. Đối với các trường hợp đã bị xóa đăng ký thường trú do đi nơi cư trú quá lâu, khi trở về chỗ ở cũ sẽ được đăng ký thường trú lại theo quy định, thủ tục đơn giản, thuận tiện để đảm bảo quyền của công dân là có nơi thường trú ổn định.
Về điều kiện đăng ký tạm trú, theo Điều 27, đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú, là phải được người cho thuê mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Vì khi chủ nhà cho thuê, mượn, ở nhờ đương nhiên đã chấp nhận cho người dân ở rồi, còn quy định thủ tục là phải có văn bản đồng ý của chủ nhà cho ở tạm trú nữa. Theo đại biểu, đây là một điều kiện như một giấy phép con và cũng như tạo điều kiện kẽ hở cho chủ nhà chèn ép người ở tạm trú để vòi vĩnh. Vậy nên khi đã cho tạm trú, ở nhờ, có ký hợp đồng, đại biểu cho rằng vấn đề này không cần thiết phải có văn bản đồng ý của chủ nhà. Quy định như vậy sẽ làm hạn chế chủ sở hữu cho thuê, mượn tràn lan mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát của cơ quan chức năng.
Về thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú tại Điều 27, đại biểu cho rằng phải có thời gian đăng ký tạm trú tối đa 2 năm nhằm mục đích để phân biệt giữa tạm trú và tạm vắng. Theo đại biểu, thường trú là ở lâu dài, vĩnh viễn, còn tạm trú là phải có quy định thời hạn đăng ký tạm trú để phân biệt rạch ròi giữa tạm trú và thường trú, không thể chấp nhận việc tạm trú mà ở giống như vĩnh viễn như thường trú. Đại biểu cho rằng phân biệt thời gian là 2 năm khi đã đến tạm trú ở chỗ mới, sau 2 năm báo lại một lần nữa thì rất phù hợp và rất thực tế.
Về điều khoản thi hành tại Điều 38, đại biểu tán thành luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Về điều khoản chuyển tiếp, đại biểu tán thành phương án 1 cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được cấp cho đến ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về cư trú khi giao dịch dân sự với các cơ quan chức năng./.