ĐBQH NGUYỄN TẠO: CÂN NHẮC VIỆC MỞ RỘNG CHỦ THỂ KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ ĐẾN ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ KHU VỰC BIÊN GIỚI

17/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân xã khu vực biên giới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thỏa thuận quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ sự thống nhất rất cao về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV. Tuy nhiên về phía chủ thể quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Quốc hội cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân xã khu vực biên giới, được nêu ở điểm i khoản 2 Điều 2. Bởi lẽ, chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới hiện nay, qua thực tiễn, đặc biệt ở biên giới, hải đảo thì còn gặp nhiều khó khăn, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, quan hệ quốc tế sâu rộng hướng tới tương lai rất nhạy cảm và đa dạng. Về đối ngoại quốc phòng an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu cho chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. Do đó không phải là cơ quan, tổ chức nào cũng được giao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo luật chỉ dừng lại ở cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên thì mới được ký thỏa thuận quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Thứ hai, tại Điều 3, về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Điều 3 này ngoài việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, các nguyên tắc của quốc tế là không can thiệp vào công việc nội bộ, các cam kết chung của quốc tế mà chúng ta là thành viên và trách nhiệm của cộng đồng, của các tổ chức quốc tế, đại biểu cho rằng cần đưa vào một chế định quan trọng, đó là cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung đã được ký kết trong thỏa thuận quốc tế và không phải trách nhiệm, chúng ta phải nói cam kết. Cam kết thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm trên tinh thần hợp tác để đạt được những nội dung đã ký kết. Đại biểu đề nghị nghiên cứu lại khoản 7 Điều 3, quy định như vậy chưa thể hiện đầy đủ của các chủ thể khi ký kết, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế. Đại biểu đề xuất nên đưa vào một chế định thì chặt chẽ hơn là cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung thỏa thuận trên tinh thần hợp tác, trách nhiệm của các bên trên tinh thần các bên cùng có lợi và yêu cầu phía chủ thể của bên kia ký kết cũng cam kết thực hiện đầy đủ nội dung mà các thỏa thuận quốc tế đã được ký kết. Đó là nội dung và nguyên tắc thực hiện các thỏa thuận kinh tế.

Tại Điều 11 về rà soát đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký. Đây là quy trình rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm tính chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức. Thực tiễn cho thấy trong thời gian vừa qua tổng kết các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết ở nhiều cấp, từ địa phương tới trung ương, các tổ chức, v.v. đã phát sinh ra nhiều bất cập và bất cập này dẫn đến việc thực hiện cam kết trong thỏa thuận quốc tế không được cao. Do đó ảnh hưởng tới chủ thể của phía Việt Nam trong thời gian vừa qua mà qua Báo cáo tác động cũng đã thấy được việc rà soát và đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế của các chủ thể nói chung, chứ không dừng lại ở các chủ thể là nhân danh Nhà nước và Chính phủ trước khi ký. Do đó, đại biểu đề nghị cần được quy định trở thành một quy trình mang tính bắt buộc chung được áp dụng cho tất cả các chủ thể được quy định trong luật này đối với cơ quan mà luật này quy định có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế được gọi là bên phía Việt Nam và được quy định cụ thể ở trong luật này. Đây là một vấn đề được đặt ra, đây là một quy trình bắt buộc nhằm mang tính chất chính xác về nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài; thống nhất về hình thức từ các cấp, trung ương thì như thế nào, địa phương và các ngành. Khi đã là thành viên có trách nhiệm trong các cộng đồng quốc tế thì cần thể hiện tính nhất quán trong các văn bản, các điều ước, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết. Do đó, nên đưa Điều 11 trở thành Điều 8 trong quy định chung, trở thành nguyên tắc chung đó là rà soát đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế trước khi ký./.

Lan Hương

Các bài viết khác