ĐẠI BIỂU BÙI THỊ QUỲNH THƠ: CẦN GIẢI PHÁP CỤ THỂ ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

18/12/2020

Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cho rằng cần có các giải pháp hết sức cụ thể để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và cần có một lộ trình thực hiện và các chủ thể liên quan phải chịu trách nhiệm.

Cần các giải pháp cụ thể

Phát biểu tại Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Vĩnh Long, cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Hà Tĩnh ghi nhận báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp và giải trình đầy đủ các kết quả đạt được, đánh giá những mặt chưa đạt được về cơ cấu lại nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực so với các mục tiêu đề ra. Từ đó đã đề ra các giải pháp và định hướng giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong 22 mục tiêu về cơ cấu năm 2020 và các mục tiêu cơ bản thì đã hoàn thành giai đoạn 2017 - 2019. Tuy có một số mục tiêu không hoàn thành, nhưng do năm 2020 với tác động của đại dịch nên làm chậm quá trình thực hiện, lý do này hoàn toàn khách quan. Trước đó trong các năm 2017- 2019 chúng ta đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra và cũng đạt được các chỉ số tương đối cao. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng điều này thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong điều hành thực hiện các mục tiêu đề ra theo cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Cho ý kiến về Nghị quyết 24 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ, đối với kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết 24 và các Nghị quyết liên quan đã xác định 9 mục tiêu chính về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đến năm 2020 với mục tiêu bao trùm là nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài các kết quả đạt được như trong Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24 đã nêu thời gian qua về sắp xếp lại cổ phần. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp lại cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ và chỉ mới tập trung vào vấn đề sắp xếp, thu gọn số lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao, mô hình quản trị doanh nghiệp thời gian qua cũng được đánh giá là chậm đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đại biểu, một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm giải quyết, nhất là thể chế về định giá đất đai, tài sản. Còn tình trạng doanh nghiệp lãi giả lỗ thật; các dự án kém hiệu quả chưa được kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia. Đây là cũng đánh giá trong cả quá trình bao gồm cả 2016 đến 2019, còn năm 2020 còn do tác động của Covid. Trong cả quá trình đấy thì vấn đề cải tiến doanh nghiệp nhà nước rất chậm. Đại biểu dẫn chứng số liệu năm 2016 có khoảng 3000 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ ít hơn 50% số vốn trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau. Trong khi đó theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ 17/08/2017 có 135 doanh nghiệp và năm 2018 là có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn.

Đại biểu cũng cho biết, qua rà soát lại báo cáo số 506 của Chính phủ năm 2018, đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội cho thấy giải pháp cho hầu hết các mục tiêu chưa hoàn thành là kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ kém hiệu quả của cơ chế thị trường. Xem xét thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư các thành phần kinh tế khác. Nghị quyết đề ra giải pháp rất là rõ. Tuy nhiên, cho đến nay mới thực hiện thoái vốn được 102 doanh nghiệp, đang còn 138 doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ này và chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm thôi thì mục tiêu chắc chắn là không hoàn thành được.

Báo cáo 531 của Chính phủ mới đây lại tiếp tục đưa ra các định hướng cơ cấu lại nền kinh tế trong một số lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2025, các định hướng này cơ bản không khác nhiều so với báo cáo trước đây (định hướng về phát triển doanh nghiệp Nhà nước). Vì vậy, đại biểu đề nghị để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước cần có các giải pháp hết sức cụ thể. Theo đó, cần có một lộ trình thực hiện và các chủ thể liên quan phải chịu trách nhiệm. Nếu như không hoàn thành vấn đề tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng chiều sâu ở tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất, trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng, lãnh thổ địa phương

Liên quan đến kết quả thực hiện hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, Nghị quyết 24 đã đặt ra nhiệm vụ và các chỉ tiêu rất tổng thể cho cả nước nói chung về quy hoạch, cơ cấu lại và công tác quy hoạch cơ cấu vùng kinh tế. Còn nhiều địa phương, kế hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế chưa xác định rõ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của địa phương; chưa khai thác được các thế mạnh của từng địa phương và tạo ra bước đột phá.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 201 bàn về liên kết vùng này, tuy nhiên, khi thực tế ở địa phương qua thăm dò, khảo sát thấy rằng vấn đề liên kết vùng còn lỏng lẻo, đặc biệt là ở một số lĩnh vực cụ thể. Việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Nhìn vào báo cáo về quyết toán ngân sách vừa rồi thì rõ ràng thấy là khoảng cách phát triển giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, vùng Châu thổ sông Hồng hoàn toàn khác nhau về số liệu quyết toán ngân sách nhà nước. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Tìm hiểu nhiều địa phương thì cơ cấu lại vùng kinh tế chưa xác định một cách rõ ràng, bài bản, chủ yếu các nhiệm vụ được lồng ghép trong các báo cáo kinh tế - xã hội của các địa phương, báo cáo từng năm và báo cáo giai đoạn 5 năm, chưa có kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế địa phương theo lộ trình cơ cấu của Nghị quyết 24 Quốc hội đề ra và Nghị quyết đó phải xác định rõ các lĩnh vực, ngành ưu tiên phát triển, các ngành đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Do đó đại biểu đề nghị cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng, lãnh thổ địa phương. Qua đó, các địa phương sẽ có kế hoạch, quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế một cách hệ thống theo đúng nhiệm vụ quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế của Nhà nước. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội có một chương trình giám sát về công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế của địa phương cho đúng lộ trình Quốc hội đề ra./.

Bảo Yến