ĐBQH LÊ THANH VÂN: CHÍNH PHỦ CẦN TỔ CHỨC LẠI BỘ MÁY TINH GỌN CHO PHÙ HỢP VỚI BIẾN ĐỔI CỦA THỜI CUỘC

21/12/2020

Cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ, với một bộ máy tinh gọn cho phù hợp với biến đổi của thời cuộc.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết các bài học về công tác phòng chống dịch bệnh và ứng phó thiên tai.

Tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá về kết quả đạt được của năm 2020, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, có 3 bài học rất giá trị, có lẽ Chính phủ nên tổng kết:

Thứ nhất, đó là bài học về đồng thuận của nhân dân. Nó thể hiện rõ nhất trong đại dịch COVID-19 khi nó bùng nổ ra và chúng ta đã phản ứng kịp thời và nhân dân cả nước rất ủng hộ và tuân thủ ngay cả khi chuyển trạng thái sang cách ly xã hội, sau này điều chỉnh thành giãn cách xã hội thì người dân cũng đồng thuận và chấp hành.

Bài học thứ hai, đó là tinh thần dân tộc. Qua đợt bão lũ vừa rồi, hàng ngàn đoàn xe kìn kìn từ Bắc chí Nam từ Nam ra Bắc ủng hộ miền Trung. Đấy là tinh thần dân tộc vô cùng quý giá mà khi có thiên tai, địch họa, chúng ta mới phát huy được.

Bài học thứ ba, đó là sự phản ứng kịp thời của hệ thống chính trị, khi đại dịch COVID-19 vừa mới bùng nổ không lâu thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính đến các gói hỗ trợ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 rất kịp thời và chúng ta thấy rằng, ngay cả Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 khi bắt đầu có bàn tán ra vào, nhưng gần như không có phản ứng từ phía nhân dân. Cho đến khi Thủ tướng Chính phủ trong một phiên họp Chính phủ khẳng định, đây là một tình huống pháp lý, ra những quyết định rất kịp thời như vậy và đặc biệt khi lũ lụt có cứu trợ của người dân, của cộng đồng, dư luận lại dấy lên câu chuyện pháp lý, 2 ngày sau Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đấy là những bài học rất quý giá và năm 2020 là năm rất đặc biệt vì đại dịch và lũ lụt chưa từng có. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá sâu bài học này rất giá trị trong quản lý, điều hành đất nước trong tương lai.

Cần phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ cho phù hợp với biến đổi của thời cuộc.

Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đại biểu Lê Thanh Vân tán thành với 10 nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Chính phủ cần phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ với một bộ máy tinh gọn cho phù hợp với biến đổi của thời cuộc. Chính phủ cần điều chỉnh để chức năng hướng vào nhiệm vụ trọng tâm đó là ban hành kiểm soát thể chế, thay vì cam thiệp trực tiếp vào các quan hệ xã hội. Chính phủ phải phân bổ cho nó hợp lý, hài hòa các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là không có sự chồng lấn giữa chi thường xuyên đầu tư công và xã hội hóa trong cùng một nhiệm vụ. Chính phủ cũng cần phân biệt rõ đâu là nhiệm vụ của trung ương, của tỉnh, của huyện, của xã trong đầu tư công để kiểm soát tốt nguồn lực. Cuối cùng, đó là Chính phủ phải triển khai thật mạnh mẽ, nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, điều hành.

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao Chính phủ giao Bộ Nội vụ chuẩn bị xây dựng chiến lược về thu hút trọng dụng nhân tài, tuy nhiên cần ưu tiên tập trung nguồn lực nhân tài cho 5 lĩnh vực:

Một là, ưu tiên cho nhân tài lãnh đạo quản lý quốc gia.

Hai là, cho làm giàu trên mọi phương diện.

Ba là, thu hút nhân tài cho khoa học, công nghệ.

Bốn là, cho quản trị giáo dục.

Năm là, cho văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra, Chính phủ khẩn trương ban hành bộ tiêu chí đánh giá về cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là người đứng đầu, trong đó có những tiêu chí rất đáng chú ý, đó là khả năng khởi xướng chính sách, khả năng đề ra chủ trương, đặc biệt là giải pháp, khả năng trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy, thuyết phục được quần chúng đi theo và đặc biệt là sản phẩm đầu ra đánh giá định kỳ hàng năm phải có kết quả cụ thể.

Đại biểu cũng nghị Chính phủ nghiên cứu để ban hành một loạt chính sách ưu đãi, mở đường cho một số doanh nghiệp đầu đàn áp dụng công nghệ cao để có những sản phẩm khoa học công nghệ “kích nổ” cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và chỉ có công nghệ mới thay đổi diện mạo của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ rà soát lại các quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức, nhằm chuyển hóa thành các quan hệ xã hội điều chỉnh bằng pháp luật, để ngăn chặn sự tha hóa xuống cấp về đạo đức xã hội, về văn hóa xã hội, văn hóa truyền thống. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, văn hóa đạo đức xã hội cũng chính là một nguồn lực quan trọng tác động đến tăng trưởng. Ứng xử của con người trong kinh doanh, trong sản xuất, trong giáo dục và mọi phương diện khác chính là những nguồn lực vô hình, tạo nên sức mạnh dân tộc và hình ảnh của người Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này cần được chụ thể hóa bằng những nghị quyết, đạo luật và đặc biệt các giải pháp của Chính phủ./.

Lan Hương

Các bài viết khác