ĐBQH TRẦN CÔNG THUẬT: CẦN TỔNG KẾT RÚT KINH NGHIỆM TOÀN DIỆN, SÂU SẮC TỪ ĐỢT THIÊN TAI ĐỂ BAN HÀNH VĂN BẢN, QUY ĐỊNH PHÙ HỢP HƠN

21/12/2020

Trong phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV về tình hình kinh tế xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Trần Công Thuật, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm toàn diện, sâu sắc từ đợt thiên tai, từ đó ban hành các văn bản, quy định ứng phó phù hợp hơn.

Đại biểu Trần Công Thuật đề nghị Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm toàn diện, sâu sắc từ đợt thiên tai, từ đó ban hành các văn bản, quy định ứng phó phù hợp hơn.

Đại biểu Trần Công Thuật thống nhất với ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao kết quả điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong thời gian vừa qua, tiêu biểu như thành công trong chống COVID-19, tăng trưởng dương, giải ngân vốn đầu tư công trong những thách thức lớn năm 2020.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đề cập đến tình hình thiên tai, bão lũ trên phạm vi cả nước, ở miền Trung và những khía cạnh liên quan đến tình hình trên. Quảng Bình là một địa phương bị ảnh hưởng lớn, nặng nề trong đợt thiên tai vừa qua, đại biểu Trần Công Thuật cho rằng, bão lũ năm nào cũng xảy ra và uy hiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Tuy nhiên, đợt thiên tai năm nay đã khác so với các năm trước đó. Năm nay mưa đặc biệt lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng, vì vậy, mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử, tạo nên mức thủy triều lớn hơn trước đây và nước rút rất chậm. Đây là yếu tố gây bất ngờ, vượt ngoài dự báo và gây hậu quả lớn. Năm nay, mưa lũ gây ra nhiều điểm sạt lở sâu hơn các năm trước, gây hậu quả khôn lường, phá hủy nhiều công trình nhà ở và làm nhiều người chết và mất tích. Đợt thiên tai này gây hậu quả đặc biệt lớn, quá trình khắc phục sẽ lâu dài trên nhiều lĩnh vực, có nơi phải làm lại từ đầu. Lũ lụt đã xóa đi các thành quả của nông thôn mới, phá hủy môi trường, cắt đứt sinh kế người dân, hủy hoại nhiều cơ sở vật chất, tài sản khác của tập thể, cá nhân. Rất nhiều người trắng tay sau lũ lụt, lũ lụt đã làm chậm lại quá trình phát triển của các tỉnh ở đây. Sắp tới, sự hỗ trợ là rất cần thiết, cấp bách, không chỉ nhằm ổn định mà đưa cuộc sống trở lại bình thường, mà còn gây rừng, tạo sinh kế cho người dân vùng lũ.

Đại biểu Trần Công Thuật nhấn mạnh, trận lũ đặc biệt vừa rồi cho thấy sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, các Ban Chỉ đạo của Trung ương phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất đúng đắn, kịp thời, nghiêm túc, xuyên suốt. Các địa phương phòng, chống lũ quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, điều hành hợp lý, cơ chế 4 tại chỗ phát huy tác dụng tốt, các lực lượng quân đội, biên phòng, công an, cán bộ thôn, xã, huyện lăn xả, xông pha trong bão lũ, quên mình cứu dân, cứu tài sản, tính mạng đồng bào. Nếu không có sự chủ động lăn xả này thì chắc chắn thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt, thiệt hại về người sẽ là rất lớn. Cần có đánh giá và động viên đối với họ. Trong bão lũ, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tình yêu đồng loại, sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn được phát huy và làm sáng đẹp thêm truyền thống yêu nước, thương nòi, thương người như thể thương thân của đồng bào cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài. Hành động của những người dân vùng biển đã dùng thuyền của mình vượt qua các đồi cát rắn khó khăn vào cứu bà con vùng lũ dưới gió to, sóng cả thật cảm động và trân trọng biết bao. Vì vậy, cần có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm toàn diện, sâu sắc từ đợt thiên tai nguy hiểm này trên tất cả các lĩnh vực, các mặt như công tác dự báo, chỉ đạo thực hành đến thực địa về tính chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ, cứu trợ về lực lượng, về hợp đồng chỉ đạo, về sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở về khắc phục hậu quả, về sự đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, tấm lòng cao đẹp của đồng bào, đồng chí, của các nhà hảo tâm, những người tình nguyện trẻ, thanh niên tình nguyện cũng như về quy hoạch phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật cho sự phát triển, về các biện pháp mới để ứng phó với biến đổi khí hậu thay cho các phương pháp truyền thống, v.v.. Từ đó để có những văn bản, những quy định phù hợp hơn.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ thay thế Nghị định số 64 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sao cho phù hợp với thực tiễn.

Thay mặt người dân và cử tri tỉnh Quảng Bình, đại biểu Trần Công Thuật bày tỏ lòng cảm ơn, ghi tạc nghĩa tình cao đẹp của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, bộ, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước. Xin được bày tỏ lòng biết ơn đến đồng bào, đồng chí mọi miền Tổ quốc đã hướng về và giang tay giúp đỡ Quảng Bình vượt qua hoạn nạn trong cơn đại hồng thủy vừa rồi. Sự giúp đỡ quý báu đó đã giúp bà con vùng lũ ấm lòng, củng cố lòng tin, cố gắng trụ vững và dần phục hồi, tiếp tục vươn lên trong thời gian tới.

Qua đợt thiên tai dữ dội vừa rồi, đại biểu cũng mong các bộ, ngành giúp cho Quảng Bình và các tỉnh có điều kiện tương đồng, có hướng đi đúng đắn hơn, thích hợp hơn trong thời gian tới. Vừa qua, nhờ có sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Quảng Bình được khởi công được nhà máy điện gió công suất là 252MW và nhà máy điện mặt trời 50MW. Bộ Công Thương cũng đồng tình quan điểm xây dựng Quảng Bình là một trung tâm năng lượng của cả nước. Theo đại biểu Trần Công Thuật, phát triển năng lượng tái tạo và điện khí là rất phù hợp với khí hậu, thời tiết ở đây. Đó cũng là kế sinh nhai lâu dài và giảm nghèo bền vững cho vùng này. Đại biểu và người dân Quảng Bình cũng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến Quảng Bình về cơ cấu một nền nông nghiệp thích ứng với bão lũ.

Đại biểu cũng lưu ý đến công tác bảo vệ rừng, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có rất có ý nghĩa. Như chúng ta đều biết, phá rừng bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây ra các thảm họa về môi trường. Quảng Bình vừa có rừng Trường Sơn vừa có rừng ở miền cát ven biển, cả hai loại rừng này không giống nhau và đều có cách ứng xử khác nhau để đưa tài nguyên này phục vụ cho sự phát triển. Vấn đề này cần được nghiên cứu một cách thận trọng, nghiêm túc, sát thực tiễn và đảm bảo cơ sở khoa học vững chắc cũng như có những dự báo có tính chiến lược dài hơi để vấn đề “rừng là vàng” được hiểu và sử dụng hợp lý hữu ích, là vốn quý của đất nước./.

Lan Hương

Các bài viết khác