ĐBQH ĐINH THỊ KIỀU TRINH: CẦN BẢO VỆ TỐI ĐA QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

23/12/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định, Luật cần có các quy định chặt chẽ về trách nhiệm cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh tham gia dự thảo luật một số ý kiến góp ý cụ thể. Theo đại biểu, Điều 1 của dự thảo luật quy định phạm vi điều chỉnh khá cụ thể, tuy nhiên còn rườm rà, trùng lặp giữa phạm vi đối tượng mà dự thảo luật quy định, như cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, trung tâm dịch vụ, cơ quan, tổ chức. Việc miêu tả liệt kê cụ thể nhưng còn trùng lặp, thiếu đối tượng thuộc phạm vi luật phải điều chỉnh gồm các bộ, cơ quan liên quan đến hoạt động này. Do đó đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa lại như sau: “Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách đối với người lao đông và quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Về đối tượng áp dụng tại Điều 2, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh bày tỏ nhất trí với phương án 1 là giao Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động tại Điều 43 và không làm phát sinh bộ máy biên chế tại Điều 74. Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đánh giá, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý để Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện được thuận lợi và mở ra các cơ hội việc làm cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên, Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh  chỉ rõ, từ thực tiễn cho thấy, để triển khai thực hiện điều này thì cần quy định cụ thể lộ trình, thời gian thực hiện để các trung tâm dịch vụ Việt Nam có thời gian chuẩn bị đội ngũ nhân lực, cũng như các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng với nhiệm vụ mới này.  

Tại điểm 4 Điều 17 giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị bổ sung trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày giao nhiệm vụ cho chi nhánh, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, nơi chi nhánh đóng trụ sở hoạt động để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này.

Về hợp đồng cung ứng lao động, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc thực hiện quyền phản ánh, khiếu nại, tố cáo người lao động khi quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động đúng như hợp đồng, cũng như nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề này.

Tại Điều 22, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đánh giá, các quy định còn chung chung, do vậy đại biểu đề nghị bổ sung các điều luật để bảo vệ quyền của người lao động như thời hạn hợp đồng, các điều kiện môi trường, an toàn vệ sinh lao động, thu nhập, các điều kiện sinh hoạt, các chế độ khám, chữa bệnh, v.v..

Tại điểm 8 Điều 47 quy định trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhập cảnh về nước, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài về để cập nhật thông tin và được hỗ trợ tạo việc làm khởi nghiệp, v.v.. Đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú trong vòng thời hạn15 ngày kể từ khi người lao động về nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý người lao động khi về nước tại địa phương, cũng như tăng cường cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hỗ trợ việc làm cho lao động khi trở về nước.

Tại khoản 2 Điều 27, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, đây là quy định rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần quy định thêm trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể tham gia bảo hiểm xã hội theo đúng quy định để khắc phục các tồn tại trong giai đoạn vừa qua.

Về nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị bổ sung cụm từ "thực hiện khai báo với chính quyền địa phương ở nơi cư trú" và viết lại thành "e) Về nước đúng thời hạn, thực hiện khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của nhà nước tiếp nhận lao động".

Hồ Hương

Các bài viết khác