Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bên cạnh đó, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu đã góp ý thêm một số ý kiến cụ thể.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2, đại biểu tán thành theo phương án 1, đó là bổ sung khoản 4, giao cho đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Theo phương án này thì Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và sẽ không thu tiền dịch vụ của người lao động, như vậy sẽ đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người lao động, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng không làm phát sinh bộ máy và biên chế kèm theo, như đã quy định tại Điều 74.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng phân tích thêm, theo quy định tại Điều 38, Luật Việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm công lập có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí, cung ứng và tuyển dụng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thực hiện các chương trình, dự án về việc làm; đào tạo kỹ năng dạy nghề theo quy định của pháp luật. Việc bổ sung thêm hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng nằm trong các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng, tuyển dụng lao động. Việc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đối với người lao động, đảm bảo tính tuân thủ và hạn chế bớt việc nảy sinh những vấn đề phức tạp về phí dịch vụ, bên cạnh đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế ở địa phương. Vì với nguồn lao động thường xuyên có nhu cầu tìm kiếm việc làm đến trung tâm để tìm việc làm cũng như đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ là nguồn nhân lực khá dồi dào để đảm bảo thời gian theo thỏa thuận hợp tác cũng như yêu cầu của đối tác tuyển dụng, vì thường thời gian tuyển dụng từ khi có thông báo đến khi kết thúc rất ngắn.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, thực tế giai đoạn 2018-2020, triển khai chương trình lao động thời vụ visa C4 tại Hàn Quốc thông qua các thỏa thuận giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội toàn quốc đã có 5 địa phương là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Bình Thuận, Hà Tĩnh thí điểm giao Trung tâm dịch vụ việc làm ký hợp đồng và tổ chức đưa hơn 1.000 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp bảo đảm hiệu quả và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Về quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Bùi Thanh Tùng chỉ rõ, tại điểm d khoản 1 Điều 6 dự thảo luật đã bổ sung quyền của người lao động Việt Nam được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong quá trình thực hiện công việc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quyền của người lao động Việt Nam được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, mặc dù người lao động đã có khiếu nại chính đáng nhưng không được quan tâm giải quyết. Theo đại biểu, quy định này sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi đối với người lao động, nâng cao trách nhiệm của đơn vị dịch vụ trong việc trực tiếp tư vấn, tuyển chọn lao động và xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, tại khoản 3 Điều 17 dự thảo luật có quy định doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 3 chi nhánh. Quy định này xuất phát từ đánh giá tổng kết thi hành luật hiện hành đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ. Nếu để quá nhiều chi nhánh trong bối cảnh năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế thì không tránh khỏi tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng trong thực tế triển khai thi hành luật, quy định doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho không quá 3 chi nhánh sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm lao động, đồng thời cũng chưa thống nhất với các quy định của Luật Doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách mở 3 chi nhánh, nhưng lại thành lập rất nhiều văn phòng đại diện đăng ký hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định này và cũng cần xem xét, phân biệt rõ khái niệm chi nhánh có đăng ký hay văn phòng đại diện nhưng lại làm các nhiệm vụ như chi nhánh. Đồng thời, có các quy định về phương thức quản lý phù hợp nhằm hạn chế tình trạng lách luật như hiện nay nhưng cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thị trường, người lao động thuận tiện hơn trong việc tiếp cận dịch vụ.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, đại biểu Bùi Thanh Tùng đồng ý với việc duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, với các quy định chi tiết tại các Điều 67, 68 và 69, đồng thời đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật của Việt Nam cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, về thị trường lao động tại nước ngoài và các chính sách quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động để mở rộng ổn định và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài.
Đối với nội dung quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Chương VI, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết hiện tại, việc nắm thông tin về số lượng người lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài được căn cứ vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ và đối tác nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào tính chất công việc theo thỏa thuận giữa 2 bên để cấp phép số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tại từng thời điểm đối với doanh nghiệp dịch vụ. Theo quy định hiện hành, thông tin về người lao động đi làm việc ở nước ngoài liên quan đến thời gian lao động, mức lương, địa điểm, thời gian về nước, v.v. do các doanh nghiệp dịch vụ báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhưng chưa được chia sẻ thường xuyên với các địa phương, vì vậy khó khăn trong công tác quản lý, nắm thông tin về người lao động của các đơn vị địa phương cấp tỉnh.
Chính vì vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc cung cấp thông tin cho các địa phương về danh sách, số lượng, thời gian dự kiến xuất cảnh của người lao động. Số lượng còn được tuyển lao động theo đơn hàng của các doanh nghiệp dịch vụ đã ký với đối tác nước ngoài, cung cấp thông tin dữ liệu và người lao động cho các địa phương đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ với các chỉ số như giới tính dân tộc, tuổi, ngành nghề, mức lương, địa bàn và các thông tin cần thiết khác để nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương đối với người lao động tại mỗi địa phương đi làm việc ở nước ngoài.