ĐBQH TÔ ÁI VANG NÊU Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

23/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp một số ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tô Ái Vang đã tham gia phát biểu ý kiến vào một số vấn đề cụ thể. Về đối tượng áp dụng ở Điều 2 và các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở tại Điều 5, đại biểu tán thành phương án 1, phù hợp với các quy định liên quan đến Luật Việc làm năm 2013.

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Bên cạnh đó, để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm, thuật ngữ mang tính giải thích, đưa về quy định tại Điều 3 của dự thảo luật để dễ tra cứ, cụ thể: Tại khoản 1 Điều 20 về hợp đồng cung ứng lao động; tại khoản 1 Điều 22, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tại khoản 1 Điều 23, hợp đồng môi giới tại; tại khoản 1 Điều 24, tiền dịch vụ; tại khoản 1 Điều 38, hợp đồng nhận lao động thực tập; tại khoản 1 Điều 53, hợp đồng lao động theo hình thức trực tiếp giao kết; tại khoản 1 Điều 67, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bên cạnh đó, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung một khoản giải thích giáo dục định hướng, vì đây là thuật ngữ mới chưa được giải thích ở các văn bản pháp luật hiện hành.

Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở tại Điều 10, đại biểu Tô Ái Vang tán thành với quy định mức vốn sở hữu từ 5 tỷ đồng trở lên. Theo đại biểu, đây được xem là cơ sở pháp lý mang tính ràng buộc đối với những doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung quy định chặt chẽ để kiểm soát vốn chủ sở hữu, vì thời gian qua việc thực hiện kiểm soát thông qua số dư trong tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu Tô Ái Vang tán thành với quy định về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ, vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đặc biệt, lại có liên quan trực tiếp đánh người lao động trong điều kiện đi làm việc ngoài lãnh thổ Việt Nam là cần thiết.

Về đăng ký hợp đồng nhận lao động, đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề Điều 40, đại biểu Tô Ái Vang cho biết, tại điểm e khoản 1 của điều này quy định: "Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đến làm việc ở nước ngoài phải đăng ký tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương". Đại biểu kiến nghị thay thế cụm từ "cơ quan chuyên môn về lao động" bằng tên cơ quan cụ thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vì theo Nghị định 24 của Chính phủ quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lao động, việc làm và dạy nghề.

Về hồ sơ đăng ký hợp đồng nhận lao động đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở Điều 41, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung hình thức công chứng vào điểm b khoản 1 của điều này. Cụ thể tại điểm b khoản 1 được viết lại như sau: "Bản sao được cấp từ sổ gốc của hợp đồng nhận lao động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề có bản dịch tiếng Việt với chữ ký của người Việt được chứng thực hoặc công chứng".

Tương tự, bổ sung hình thức công chứng vào điểm a khoản 1 Điều 54 về hồ sơ thủ tục đăng ký hợp đồng lao động. Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 54 được viết lại như sau: "Bản sao có chứng thực hoặc công chứng hợp đồng lao động có bản dịch tiếng Việt với chữ ký người dịch được chứng thực hoặc công chứng". Đại biểu Tô Ái Vang lý giải, ngoài hình thức chứng thực bản sao còn có hình thức công chứng được thực hiện theo Luật Công chứng cần được bổ sung vào luật sửa đổi lần này để bảo đảm tính thống nhất trong quy định của pháp luật liên quan.

Hồ Hương

Các bài viết khác