Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu ý kiến tại phiên họp
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ tán thành với dự thảo luật đã chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ góp ý về kỹ thuật lập pháp và một số nội dung tranh luận như sau:
Thứ nhất, về Điều 1, phạm vi điều chỉnh, câu “luật này quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đại biểu đề nghị bỏ 2 chữ “Việt Nam” trong cụm từ “công dân Việt Nam”, vì 3 lý do.
Lý do thứ nhất là từ “công dân” trong luật này là công dân Việt Nam, vì công dân nước ngoài cư trú ở Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được gọi bằng từ “người nước ngoài”.
Lý do thứ hai là để phù hợp với Điều 23 Hiến pháp.
Lý do thứ ba là nếu chúng ta để từ “Việt Nam” trong cụm từ này thì sau đó phải có một cụm từ là “sau đây gọi tắt là công dân”, vì tại tất cả các điều sau Điều 1 cho đến hết dự thảo luật chỉ có từ “công dân” mà không có hai từ “Việt Nam” kèm theo đó.
Thứ hai, tại Điều 4, việc thực hiện quyền tự do cư trú công dân, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị bổ sung cụm từ “việc thực hiện” vào đầu khoản 2 và viết lại là: “việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân bị hạn chế trong các trường hợp:”, để bảo đảm logic giữa tên của điều luật với nội dung điều luật.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị viết lại ý 1 điểm a khoản 2 điều luật này như sau: "người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm giữ, tạm giam", để bảo đảm logic với Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về Điều 5, bảo đảm quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, đai biểu đề nghị bổ sung cụm từ “việc thực hiện” vào sau từ “bảo đảm” ở tên điều luật và khoản 1 để bảo đảm logic về ngôn ngữ trong điều luật.
Về Điều 9, nghĩa vụ công dân về cư trú, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 chữ “quản lý” vào sau từ “đăng ký”, vì công dân không chỉ có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký cư trú mà còn phải chịu sự quản lý của Nhà nước về việc cư trú này.
Ngoài ra, đại biểu bày tỏ quan điểm rằng phạm vi điều chỉnh của luật này quy định việc thực hiện quyền tự do cư trú, không phải quy định về quyền tự do cư trú. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ toàn bộ Chương III, nơi cư trú, vì quy định ở đây thì sẽ mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự./.