ĐBQH NGUYỄN MINH SƠN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

25/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới mẻ nên cần thiết có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có bước đi thận trọng, phù hợp, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về một số nội dung cụ thể, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1 và Điều 2, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đồng ý với các ý kiến đại biểu phát biểu trước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn tán thành trước mắt ban hành dự thảo nghị quyết để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cử lực lượng vũ trang của Việt Nam, nhưng việc tham gia của lực lượng quân sự cũng cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn ở các văn bản khác.


 Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Về mặt kỹ thuật, nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 "cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc" dễ gây hiểu nhầm về đối tượng áp dụng có thể bao gồm cả lực lượng dân sự. Do vậy, để làm rõ hơn nữa giới hạn, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là lực lượng vũ trang, đề nghị điều chỉnh lại các quy định tại Điều 1 mang tính bao quát hơn và chuyển nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 về lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để quy định ngay tại Điều 1 và Điều 2.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đề nghị rà soát khoản 1 Điều 3 quy định về lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào khoản 2 Điều 3 về phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có phần trùng lặp. Đồng thời, đề nghị rà soát, thống nhất sử dụng khái niệm "lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc" hay "phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc". "Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc" hay "Lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc " hay "Lực lượng Việt Nam tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc"?

Về xử lý vi phạm, khiếu nại tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị quy định rõ thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa nhân sự Việt Nam với Liên Hợp Quốc hoặc bên thứ ba là thỏa thuận gì, được ký kết với hình thức nào và có hiệu lực pháp lý ra sao.

Về chế độ, chính sách, đề nghị quy định rõ lực lượng Việt Nam trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách là lực lượng nào, nhất là quy định về lực lượng tham gia gián tiếp cần khoanh vùng, giới hạn rõ./.

Bích Lan