Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, hoàn thành và vượt các mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nghị quyết 100 thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, xã Búng Lao cũng như nhiều địa phương khác của huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo như: chương trình 30a, 135…Nhờ vậy, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Búng Lao hàng năm từ 5 – 7%.
Huyện Đắk Glong thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm khoảng 60%, tuy nhiên nhờ có chủ tương của Đảng và Nhà nước trong đó có chương trình 30a, kinh tế xã hội huyện Đắk Glong đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5-6% mỗi năm.
Như vậy, so với mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết 100 năm 2015 của Quốc hội là các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm thì xã Búng Lao huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên hay huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Trên bình diện cả nước, 5 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Từ tỷ lệ nghèo 9,88% vào năm 2015 thì đến nay còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm qua giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.
5.400 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nghị quyết 100 năm 2015 của Quốc hội cũng đề ra mục tiêu cụ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới là đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Thực hiện mục tiêu này, tính đến tháng 9 năm 2019 đã có 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, như vậy đã hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội giao sớm trước 01 năm. Tính đến tháng 8/2020 cả nước đã có gần 5.400 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng hơn 3.800 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm.
Như vậy, với những kết quả tích cực trên cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đã hoàn thành các mục tiêu Quốc hội đề ra. Tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời củng cố vững chắc hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh.
Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Dù đã những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 100. Tuy nhiên chất lượng, hiệu quả của các chương trình này chưa thật sự cao, thiếu bền vững. Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tiếp tục ưu tiên những đối tượng yếu thế trong xã hội
-Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Thời gian qua với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp các ngành và địa phương đã thực hiện hai chương trình này rất tốt và tạo sự chuyển biến mới rõ nét trong quá trình giảm nghèo và phát triển nông thôn. Những kết quả đạt được của Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội thời gian qua là rất lớn.
Với chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta mang lại thành tựu rất tốt. Tuy nhiên, theo quan sát, giám sát thì tôi thấy rằng kết quả chưa được như mong đợi. Bởi vì nhiều địa phương chạy theo thành tích, thậm chí có địa phương được công nhận nông thôn mới nhưng lại đang không đạt chỉ tiêu. Chất lượng lượng xây dựng công trình không cao, nhanh xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và lãnh phí. Hiệu quả sử dụng cũng không được như mong muốn. Ví dụ chúng ta xây chợ nhưng không có ai họp; xây thư viện không có sách và cũng không có ai đọc; xây dựng nhà văn hoá thì cũng ít khi sử dụng dẫn đến không hiệu quả.
Đối với kết quả giảm nghèo cũng chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao. Giảm nghèo chưa đồng đều và có sự chênh lệch mức sống lớn giữa các vùng. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất lớn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi cho rằng nên lồng ghép các chương trình, tích hợp lại, tránh dàn trải. Tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo thực sự bền vững, đặc biệt ưu tiên những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ lưỡng các mục tiêu, đối tượng, địa bàn thực hiện để đảm bảo không có sự chồng lấn chính sách, giữa các chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung ương xây dựng chương trình, các định hướng, xây dựng các quy chuẩn tiêu chuẩn, trên cơ sở đó giao cho địa phương tổ chức thực hiện kể cả nguồn lực và các chương trình cụ thể. Nghĩa là phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức giao quyền cho địa phương. Vì địa phương nắm rõ nhất những thế mạnh và điểm yếu của địa phương mình, qua đó sẽ có kế hoạch, mục tiêu, chương trình cụ thể triển khải hiệu quả cho mỗi vùng.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá
-Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Các chương trình mục tiêu quốc gia của Nghị Quyết 100 của Quốc hội là các chương trọng điểm, rất cần thiết. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Nhờ có những chính sách kịp thời, nhiều địa phương đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ tự lực, lo làm ăn để tự vươn lên. Tuy nhiên, một số chính sách chưa bố trí được kinh phí, chưa kịp thời chưa khuyến khích được ý thức vươn lên sản xuất, thoát nghèo. Mặt khác, việc hỗ trợ hộ nghèo hiện vẫn chủ yếu theo phương thức cũ nên vẫn còn có sự trông chờ, ỉ lại của người dân.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nhiều vùng nông thôn có sự đổi thay rõ rệt, đời sống của đông đảo người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, một số địa phương còn tập trung nhiều vào các tiêu chí phát triển hạ tầng. Đặc biệt, có những xã được công nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới, song khi đối chiếu với các tiêu chí thì chất lượng đời sống người dân còn ở mức thấp, cơ sở vật chất còn khó khăn, công ăn việc làm, sinh kế của người lao động còn chưa bảo đảm, thu nhập không ổn định. Một số địa phương vẫn còn nợ xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để đời sống của người dân được cải thiện hơn nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp. Đẩy mạnh công tác daỵ nghề giúp cho gia đình, làng xóm cùng kết nối nhau phát triển. Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, tạo sinh kế cho người dân để họ tự chủ động thoát nghèo. Ở đây, cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến chính sách tín dụng theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh và đúng tiến độ mọi nguồn lực khi thực hiện chương trình, nhất là nguồn lực về vốn.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng: Cần có giải pháp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất đất sản xuất
-Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Đánh giá tổng quan những thành tựu đạt được trong Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội thời gian qua là rất lớn. Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sự tăng trưởng theo từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, kết quả đạt được các tiêu chí nông thôn mới của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Đặc biệt hai vùng có tỷ lệ xã đạt nông thôn mới còn thấp nhất là miền núi phía Bắc đạt 33,4%, Tây Nguyên 44,2%.
Miền núi phía Bắc và Tây nguyên cũng là khu vực có tỷ lệ động bào dân tộc thiểu số cao nhất, đồng nghĩa là hai vùng này cũng có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước, chất lượng tăng trưởng chậm, chưa được cải thiện nhiều, thậm chí có nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%.
Đáng lưu ý, trong khi phần lớn người dân sống ở những khu vực này phụ thuộc vào nông nghiệp song thực tế nhiều hộ dân không có đất sản xuất, không có đất ở. Đây là rào cản lớn khi sinh kế thiết thực nhất của họ không có. Do vậy, theo tôi cần thiết phải giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề đối với các hộ chưa được hỗ trợ đất sản xuất.
Khu vực miền núi có nhiều khó khăn, trong khi đó người dân khu vực này chủ yếu dựa vào nông nghiệp, song doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực này còn quá ít. Do vậy theo tôi bên cạnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần ban hành chính sách thu hút nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà các địa phương khu vực miền núi có thế mạnh, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết theo chuỗi tạo thành những vùng hàng hóa tập trung. Song để có nguồn lực đầu tư cho vùng này, bên cạnh nguồn lực của nhà nước, cần đẩy mạnh các nguồn lực xã hội khác thì chúng ta mới tăng tốc được cũng như có chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn cho khu vực khó khăn./.