Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công thì diện tích sử dụng đất cần sử dụng nói chung và diện tích đất có nhu cầu chuyển đổi rừng nói riêng là một nội dung được xác định trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 83 ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định: Đối với các dự án đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là một nội dung nằm trong chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận, trong đó có nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 hecta rừng đặc dụng sang mục đích khác.
Hồ chứa nước sông Than được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 03 ngày 30/03/2017. Khi đó, diện tích đất sử dụng là 1011,80 hecta, trong đó có 9,9 hecta rừng phòng hộ. Đến tháng 4/2020, dự án được rà soát lại thì diện tích sử dụng đất là 885,51 hecta, trong đó có 100,63 hecta rừng phòng hộ dẫn đến phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư tại Thông báo số 154 ngày 20/01/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt giá đầu tư tại Quyết định 1478 ngày 26/9/2019. Diện tích đất sử dụng của dự án là 5259,3 hecta, trong đó có 94 hecta rừng phòng hộ. Đến tháng 9/2020, sau khi rà soát lại thì diện tích sử dụng đất là 3963,80 hecta, trong đó có 312 hecta rừng phòng hộ, dẫn đến phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, 2 dự án hồ chứa nước sông Than và Bản Mồng là các dự án đang trong quá trình thực hiện, có sự thay đổi diện tích đất sử dụng và rừng phòng hộ dẫn đến dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Theo đó, 2 dự án thuộc diện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tại khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công quy định: Cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 102 ngày 01/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia quy định: Đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công thì các dự án được tiếp tục triển khai, trình tự, thủ tục điều chỉnh, chủ trương đầu tư các dự án được thực hiện theo quy định hiện hành như đối với dự án trước khi điều chỉnh.
Mặt khác theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, nếu dựa vào nội dung quy định tại điểm b mục 3 khoản 7 Điều 1 Nghị định 20 là Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia để Chính phủ làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì không xác đáng. Bởi vì, khi đã trở thành dự án quan trọng quốc gia thì hàng năm Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 8 Điều 79 Luật Đầu tư công, để Quốc hội theo dõi, kiểm tra, giám sát dự án theo quy định của pháp luật, không phải là để Quốc hội xem xét quyết định.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu dẫn chứng, trong thực tế đã có tiền lệ, đó là 2 dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh khi đang trong quá trình thực hiện thì phát sinh tăng tổng mức đầu tư dẫn đến dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ điều chỉnh chủ trương dự án. Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển lại hồ sơ để Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và đến nay 2 dự án đang triển khai bình thường.
Từ tình hình thực tế và những căn cứ nêu trên, tôi cho rằng 2 dự án hồ chứa nước nêu trên thuộc diện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ. Theo đó, trình tự, thủ tục điều chỉnh đối với dự án hồ chứa nước sông Than vẫn thuộc nhóm B và do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trình tự, thủ tục điều chỉnh đối với hồ chứa nước Bản Mồng vẫn thuộc nhóm A và do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác của 2 dự án trên là không phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công lâm nghiệp và không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét chuyển lại, để Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Pháp luật./.