ĐBQH TRẦN VĂN CƯỜNG: CẦN CHẾ TÀI TRONG VIỆC QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

28/12/2020

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phức tạp.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Cường cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ đã nhận định, bên cạnh đó, đại biểu đóng góp một số nội dung liên quan đến việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian vừa qua.  

Nhiều ý kiến cho rằng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại hiện như là mê hồn trận trong nền nông nghiệp của chúng ta, là cơn nghiện của một bộ phận nông dân, là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế”, đại biểu Trần Văn Cường nêu vấn đề.

Theo đại biểu, cử tri đã phản ánh về việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phức tạp như: kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chung với các hàng hóa khác; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và có loại cấm sử dụng ở Việt Nam; lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…

Đại biểu Trần Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Trần Văn Cường cho biết hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp với số lượng khá lớn, khoảng 100.000 tấn/năm, trung bình mỗi người dân sử dụng khoảng 1kg thuốc bảo vệ thực vật trên năm.

Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, nông sản Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do chất lượng kém. Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại đã và đang làm phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng mà nước ta đang quyết tâm tổ chức triển khai trong thời gian qua, đại biểu Trần Văn Cường phân tích.

Ngày 9/9/2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 10 ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam, trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp có khoảng 1.795 hoạt chất và có đến 4.390 tên thương phẩm đang sản xuất và kinh doanh trên thị trường.

Mặc dù thời gian qua, các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra nhưng với số lượng quá lớn, trong khi lực lượng quản lý có hạn, do vậy việc kiểm tra, giám sát các tên thương phẩm, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn, có thể không quản lý tốt được lĩnh vực này”, đại biểu Trần Văn Cường nhận định.

Theo đại biểu, tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, như chế tài chưa đủ sức răn đe, một bộ phận người dân nhận thúc rõ tác hại của hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực hay chưa mạnh dạn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để liên thông dữ liệu từ người sản xuất đến tiêu dùng đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường nội địa.  Từ thực trạng này, đại biểu Trần Văn Cường đề xuất một số kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hóa chất độc hại trên thị trường.

Thứ hai, tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đại biểu Trần Văn Cường cho rằng, nếu không có sự răn đe mạnh mẽ thì nông sản của Việt Nam sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt hậu quả nặng nề đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến giống nòi của dân tộc ta.

Thứ ba, thực hiện thí điểm việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng đối với các mặt hàng nông sản vào các thành phố lớn, có sức tiêu thụ cao.

Thứ tư, đầu tư mạnh vào nghiên cứu các chế phẩm để thay thế dần các chất hóa học có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Thứ năm, ban hành những quy định, chế tài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Đại biểu Trần Văn Cường nhấn mạnh, để thực hiện được những vấn đề trên, ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thay đổi nhận thức của người dân, nhưng không còn con đường nào khác hơn nữa là phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức, mới giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và đồng bào mình, giữ gìn cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên cho các thế hệ tương lai. “Tôi tin tưởng rằng, đa số đại biểu Quốc hội đang hiện diện trong nghị trường này đồng tình với đề xuất của tôi để chúng ta cùng chung lòng, chung tay hành động quyết liệt vì quê hương, vì giống nòi mai sau và vì sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam”, đại biểu Trần Văn Cường khẳng định.

Hồ Hương