ĐBQH NGUYỄN QUỐC HẬN: CẦN XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

29/12/2020

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, tình trạng nước biển dâng càng cho thấy rõ hơn về sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đã bày tỏ sự chia sẻ đối với những thiệt hại, mất mát của người dân các tỉnh miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước những khó khăn như mưa lũ, hạn hán hay COVID-19, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết: "Năm 2020, nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới có tăng trưởng âm thì ước tính tăng trưởng của nước ta khoảng 2%. Chúng ta đã duy trì được sản xuất kinh doanh, không bị rơi vào suy thoái, an ninh năng lượng, lương thực được đảm bảo".

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Vui mừng về những thành tựu đã đạt được nhưng đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng đề cập tới các yếu tố gây tiêu cực cho nền kinh tế, cụ thể là tình hình mưa lũ ở miền Trung, tình hình nước biển dâng gây ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh, chưa kể đến thiệt hại về người thì thiệt hại về kinh tế mà đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp là khá lớn. Trong điều kiện khó khăn về sản xuất kinh doanh thì nông nghiệp được xem là giá đỡ của nền kinh tế. Qua đợt ngập lụt vừa qua, nhiều đầm tôm, các điểm nuôi trồng thủy sản bị ngập tràn, các loại thủy sản thoát ra ngoài, nhiều diện tích lúa ngập sâu, không thu hoạch được, hoa màu, cây ăn trái bị ngập úng, hư hại.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt vừa qua. Không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác như dịch vụ thương mại, thiệt hại về cơ sở hạ tầng để qua đó đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, đúng thực trạng về đời sống của nhân dân.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đợt mưa lớn, nước biển dâng vừa qua càng làm rõ hơn sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nếu miền Trung lũ dâng cao là do hiện tượng mưa lớn, mưa dày thì đồng bằng sông Cửu Long ngập lụt là do nước biển dâng.

"Từ trước và trong kỳ họp chúng ta không khó khăn để nhận thấy, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau có nhiều đoạn đường ngập sâu, hàng mét nước, chứng kiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phương tiện chết máy lần dò trên đường mưu sinh. Đặc biệt là các cháu học sinh với màu áo trắng tinh khôi lại phải bì bõm lội trong làn nước ngập sâu và đương nhiên là phải mặc bộ đồ ướt cho đến hết buổi học. Thế thì ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của các cháu?" - đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, với cao độ thấp, ít đường kết nối, người dân không có sự lựa chọn nào khác buộc phải đi trên đoạn đường mặc dù biết là ngập nước và nguy hiểm. Trước thực trạng đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị một số nội dung như sau:

Thứ nhất, nâng cao độ các công trình giao thông hoặc xây dựng đường giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo hướng cầu cạn để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đầu tư nhiều đường kết nối giữa các đô thị với nhau và trong nội ô các đô thị.

Thứ ba, nhanh chóng hoàn thành đưa vào vận hành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường quốc lộ 63 đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ sự thống nhất với việc kiến nghị của Chính phủ cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, Chính phủ cũng cần cân nhắc trong đại dịch thì hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí và các tầng lớp nhân dân đã hết lòng ủng hộ từ vật chất đến tinh thần để chia sẻ khó khăn với người lao động và đất nước.

Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, hành động hết sức nhân văn “lá lành đùm lá rách””, đại biểu Nguyễn Quốc Hận khẳng định. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, trong nhóm ủng hộ vật chất trên có những công chức, cán bộ hưu trí có mức thu nhập hết sức ít ỏi, chỉ vài triệu đồng/tháng, trong đó đặc biệt là cán bộ hưu đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nay tuổi già sức yếu không còn khả năng lao động, sản xuất để trang trải cuộc sống mà chỉ dựa hoàn toàn vào số lương hưu ít ỏi, nên việc kéo dài thời gian tăng mức lương cơ sở sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các đối tượng này.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề xuất trong thời gian chưa tăng lương, đề nghị Chính phủ có giải pháp kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá cả phù hợp và theo đó có chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng cho đến khi tăng lương để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.  

Hồ Hương