Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, vào tháng 11/2019 khi Quốc hội bấm nút quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 thì COVID-19 còn là khái niệm hoàn toàn xa lạ. Gần 1 năm sau, thời điểm khởi động xem xét toàn diện vấn đề kinh tế - xã hội để xây dựng kế hoạch 5 năm mới, thế giới đã có trên 31 triệu người nhiễm bệnh và khoảng hơn 1 triệu người tử vong, thiệt hại không thể thống kê nổi, cũng không thể lường hết những sang chấn bệnh bởi COVID-19 tiếp tục hoành hành đến khi nào.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng, có thể dẫn tới khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu, tài chính, tiền tệ ở trong nước. Năm 2019, tăng trưởng từ 7% thì năm 2020 còn lại 2 đến 3%/năm. Kết quả thực hiện mục tiêu kép còn khiêm tốn, nhưng tăng trưởng dương là rất đáng ghi nhận, rất thành công. “2% đã là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt năm COVID-19. Dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ổn định, GDP vẫn tăng trưởng dương, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ đôla. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh lại, cả vốn cam kết và vốn giải ngân đều tích cực”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn, câu hỏi đặt ra cho các năm tiếp theo với tăng trưởng GDP năm nay như thế thì năm sau nền kinh tế sẽ tăng trưởng được bao nhiêu? Hiện nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được dự thảo. “So với kết quả dự kiến đạt được năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đang đặt ra ở mức khá cao. Tuy vậy, mức tăng trưởng của năm 2020 dù thấp thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5% năm 2021 tôi cho là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được, bởi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, bên cạnh chính sách tiền tệ được thực hiện tốt trong thời gian qua, cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa, ưu tiên phát triển du lịch, khai thác tiềm năng đặc biệt này của Việt Nam. Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất làm sao để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, sau đó là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi bắt đầu từ năm đầu tiên kế hoạch 2021-2025.
Về chất lượng lao động, hơn 20 năm qua nước ta tham gia Cộng đồng ASEAN và 30 năm đổi mới nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 quốc gia lạc hậu. Hơn 20 năm, vốn ODA đổ vào Việt Nam là 90 tỷ đôla, gần bằng 1/2 GDP hiện tại, tuy nhiên bài toán tụt hậu vẫn khó có lời giải. Số liệu thống kê cho thấy năng suất lao động của người Việt vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Số liệu này không hợp lý bởi tiềm năng đất nước 92 triệu dân trong thời kỳ dân số vàng.
Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội phân theo các ngành kinh tế đang mất cân đối, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp, xây dựng. Năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn thấp, chưa chú trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Năng suất lao động đang làm nút thắt có tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế. Tăng năng suất lao động xã hội nhanh chóng mới giảm hao phí lao động xã hội, hạ giá thành sản phẩm đến mức tối ưu mà vẫn có lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên năng suất lao động xã hội lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của người lao động và sự phát triển khả năng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất như quy mô, như tư liệu sản xuất. Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, chìa khóa để nâng cao năng suất lao động xã hội phải tập trung vào 2 vấn đề đó là phát huy các yếu tố thị trường và hoàn thiện vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đã đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng sang chủ nghĩa phù hợp với bối cảnh Việt Nam:
Thứ nhất, tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt về vấn đề nguồn nhân lực, phát huy vai trò kết nối giữa 3 trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền, kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn lực, phát triển thị trường sức lao động động. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong các thành phần kinh tế từ doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường vào thị trường giáo dục, đưa yếu tố thị trường sang yếu tố tự chủ cho các trường đại học để họ tự vận động theo cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên kết nhiều hơn với nền giáo dục trên thế giới để liên kết đào tạo, liên kết, chuyển giao quy trình module đào tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển sẽ cải thiện nguồn chất lượng cao cho Việt Nam.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, rào cản cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong doanh nghiệp và người dân. Bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, tài sản và quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế, tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế. Xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Phá sản một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tạo động lực năng lực cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng với nguồn lực, nhất là về vốn đầu tư, đất đai và tài nguyên.
Thứ ba, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội sáng tạo, cải tiến, phát triển, đào thải doanh nghiệp kém hiệu quả, khắc phục khuyết điểm, chú trọng nhu cầu có khả năng thanh toán, chú trọng nhu cầu thiết yếu xã, nhất là của dân nghèo, đề cao đạo đức kinh doanh, xóa bỏ ý thức lợi nhuận là trên hết do không tuân thủ quy chuẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, về quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với chính sách kinh tế - xã hội khác. Chú trọng chính sách việc làm, tăng lương, thực hiện Chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các đối tượng đặc thù, đặc biệt là Chính phủ sớm ban hành các quy định tạo cơ chế chính sách, kích cầu phát triển ngành du lịch, góp phần vực nhanh phát triển kinh tế thời hậu COVID-19.