GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KIÊN TRÌ THỰC HIỆN “MỤC TIÊU KÉP” ĐẢM BẢO LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

06/08/2021

Vượt lên trên khó khăn, bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục ở gam màu sáng với mức tăng trưởng GDP đạt 5,64%. Song, nếu dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lan rộng ra nhiều tỉnh/thành thì đây là thách thức lớn khi mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm đề ra từ 6-6,5%.

 

Từ đầu năm đến nay, nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Vượt lên trên khó khăn, bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục ở gam màu sáng với mức tăng trưởng GDP đạt 5,64%. Song đáng quan ngại, hiện dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, đây là thách thức lớn khi mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm đề ra từ 6-6,5%.

Mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%

Thực hiện thành công “mục tiêu kép”

6 tháng đầu năm 2021 dù trong bối cảnh dịch bệnh, song tăng trưởng GDP tiếp tục ghi dấu ấn với mức tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,81%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%. Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Cũng trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 26,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,9%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước).

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Có được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng, toàn quân và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  Như vậy, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với đà tăng trưởng 5,64%, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam và Malaysia là động lực tăng trưởng của khu vực khi dự báo cả năm nay Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% và Malaysia là 6%.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng, dù trong dịch bệnh khó khăn nhưng chúng ta đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, và nhân dân. Đặc biệt trong công tác thực hiện mục tiêu kép, bám sát tình hình thực tế, ở từng thời điểm khác nhau, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có những quyết sách, phương thức linh hoạt sáng tạo để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, hoạt động kinh tế.

Đơn cử, tỉnh Bắc Giang, địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất của cả nước. Đáng chú ý, vụ thu hoạch vải vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh song địa phương vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa).

Có được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ ngành chức năng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông…thì sự chủ động, linh hoạt của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến thương mại đã góp phần vào thành công trong việc tiêu thụ trái vải. Đặc biệt, địa phương đã linh hoạt vận dụng 3 kịch bản, phương án để tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nhất là chú trọng tiêu thụ trái vải qua kênh thương mại điện tử.

Linh hoạt thực thiện mục tiêu kép không chỉ đúng và trúng với các địa phương mà đúng và trúng với cả doanh nghiệp. Trước thách thức của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tái cấu trúc, tìm kiếm cơ hội mới từ trong khó khăn. Nhiều doanh nghiệp linh hoạt vận dụng cách thức làm việc mới với phương án 3 tại chỗ là “ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ và sản xuất tại chỗ” để đảm bảo không bị gián đoạn, đứt gãy cục bộ chuỗi sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp không những không mất nhân lực sản xuất mà vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng dương, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Còn những khó khăn, thách thức

Dịch Covid-19 với mức độ lây lan ngày càng rộng hơn đã làm đứt gãy, gián đoạn nhiều khâu sản xuất, chuỗi cung ứng và kết nối thương mại. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là nội dung trong báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội vào sáng 22/7 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do biến chủng vi-rút mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn trong khi ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, song chưa vững chắc. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào còn tăng cao…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ. Chủ nhiệm cho rằng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; có 09 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 03 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân) vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ. Việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương….

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Cho ý kiến về các giải pháp 6 tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Xây dựng các đề án triển khai mở rộng thị trường và khai thác các lợi thế, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do…

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, nhiều nhà phân tích và đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6% như Nghị quyết Quốc hội đề ra và 6,5% như mục tiêu Chính phủ đưa ra là thách thức rất lớn cho những tháng còn lại của năm nay.

GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP của nước ta đạt 5,64%, do vậy để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2021 từ 6-6,5%, thì tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi trong quý 3 và quý 4, Chính phủ cần phải có chính sách đột phá mạnh hơn. Thực hiện một cách đúng lộ trình quá trình tiêm chủng vắc xin. Mặt khác, các ngành kinh tế phải kịp thời đón đầu xu thế phục hồi nền kinh tế thế giới.

GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Theo ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, những tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục kiên định thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra. Với những địa phương đang có dịch phải ưu tiên cho phòng, chống dịch, với tinh thần phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dập dịch có hiệu quả; Xác định trọng tâm, trọng điểm, không phân tán nguồn lực và xử lý không dứt điểm. Mặt khác đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vaccine. Bởi nếu số người được tiêm chủng thấp sẽ đặt ra thách thức trong việc phát triển kinh tế.

“Hiện chúng ta đang song song thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, song nếu để dịch lan ra rộng hơn, phức tạp hơn thì hệ thống chính trị nói chung và hệ thống kinh tế nói riêng phải gồng mình căng lên chống dịch. Như vậy, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, không tạo ra của cải vật chất. Do đó, cần xác định ưu tiên mục tiêu phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế hoặc cân bằng giữa 2 mục tiêu này”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, để vận dụng hiệu quả “mục tiêu kép” thì mỗi địa phương, doanh nghiệp ở từng thời điểm khác nhau cần thực hiện các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, không cứng nhắc. Tùy từng thời điểm, từng nơi, cơ quan, đơn vị lựa chọn phương thức thực hiện tối ưu để đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, người sử dụng lao động gặp khó khăndo dịch bệnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng là quan điểm của ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Phạm Văn Hoà, việc hỗ trợ cần phải công khai, minh bạch. Đặc biệt, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ. Quan tâm hỗ trợ người dân trong vùng giãn cách, cách ly do dịch bệnh.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng, khẩn trương rà soát lại các vướng mắc về thể chế, luật pháp để tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận tiện, hiệu quả. Qua đó khơi thông, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng suất, chất lượng.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực nội tại, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn đủ sức chống chọi với những khó khăn thách thức./.

Lê Phương-Khánh An