ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ MAI HOA: CẦN CÓ NHỮNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỦ MẠNH ĐỂ TẠO ĐÀ, BỨT PHÁ

28/10/2021

"Đối với những địa phương nào có tiềm lực kinh tế lớn thì cần phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo đà bứt phá" - đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa trong phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng, cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế và cho rằng đây là một hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm phát triển bền vững, tức là đối với những địa phương nào khó khăn thì chúng ta sẽ có những chính sách để hỗ trợ giảm nghèo. Còn đối với những địa phương nào có tiềm lực kinh tế lớn thì cần phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo đà bứt phá. Như câu chuyện về "tấm chăn ngân sách" mà đại biểu Nguyễn Tạo ở Lâm Đồng có đề cập tới, trong "tấm chăn" đấy kéo bên này được thì bên kia sẽ mất, nhưng chúng ta sẽ phải hướng tới một quan điểm, tức là sẽ có những địa phương làm sao để chúng ta tạo điều kiện phát triển đủ mạnh, để có thể thoát ra khỏi "tấm chăn ngân sách Nhà nước", để không phải có tình trạng là co kéo nữa, đó là hướng phát triển bền vững và đúng hướng cho chúng ta trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, đại biểu cho rằng 6 nhóm chính sách cho từng địa phương, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cũng như 8 nhóm chính sách cho Thanh Hóa thực chất là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù và được xây dựng dựa trên những đề xuất, những phân tích, những nghiên cứu rất kỹ của các địa phương, bảo đảm được điều kiện và nhu cầu của địa phương. Như vậy, đây sẽ là những cơ hội để cho các địa phương đột phá và phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng của mình và từ đó tạo sức lan tỏa và sức kéo trong khu vực. Việc lựa chọn các địa phương đưa vào thí điểm lần này thì tiêu chí đặc thù rất rõ. Ví dụ như có đại biểu băn khoăn về việc 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh ở Bắc Trung bộ, Huế cũng là Bắc Trung Bộ, nhưng Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh lớn và số dân cũng như tất cả những điều kiện ở 2 tỉnh này, nếu chúng ta tạo ra những động lực của 2 tỉnh này phát triển thì rõ ràng chúng ta sẽ tác động đến một lực lượng về dân số cũng như các điều kiện phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ. Chưa nói đến chuyện Thanh Hóa còn là điểm kết nối 3 vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ với những vị trí đặc thù như thế này hoặc Nghệ An là tỉnh có đến trên 400km đường biên giới. Phát triển các huyện biên giới Nghệ An, vùng Tây Bắc Nghệ An chính là chúng ta sẽ phát triển được cả một địa bàn rộng lớn, bảo đảm được an ninh, quốc phòng cũng như là đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với các ý nghĩa đó thì chúng ta chọn để đề xuất các tỉnh, thành có cơ chế, chính sách đặc thù là hợp lý và việc Quốc hội ban hành các nghị quyết thí điểm này là hoàn toàn đúng thẩm quyền và đủ căn cứ về chính trị, về pháp lý cũng như về thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đồng tình với đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn Bình Dương trong việc khi đề xuất các chính sách đặc thù này thì các tỉnh, thành đã đặt mình trong tổng thể mối quan hệ với các tỉnh trong địa bàn và trong vùng kinh tế hay chưa và các cơ chế, chính sách được đưa vào thì đã đặt trong tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển vùng kinh tế cũng như là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng thành phố và địa phương trong 4 đơn vị này của giai đoạn 2021-2025 hay chưa?. Đây là những câu hỏi cần phải có lời giải từ phía Chính phủ và các địa phương. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, với quan điểm là chúng ta phải có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho từng địa phương để thay vì việc chúng ta có sự “đồng phục” trong chính sách dẫn tới không thể thực hiện được trong nhiều địa phương với những điều kiện khác nhau thì nên hướng tới là Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù đối với những địa phương thuộc các vùng kinh tế như là vùng kinh tế Tây Bắc, vùng kinh tế Tây Nguyên hay là vùng kinh tế Tây Nam Bộ như một số ý kiến đại biểu đã phát biểu trước tôi và tôi nghĩ rằng như vậy chúng ta sẽ tạo ra được những động lực khai thác những thế mạnh tiềm năng và hình thành những trụ cột, những đầu tàu cho từng vùng kinh tế. Hoặc là chúng ta có thể nghiên cứu để thí điểm những cơ chế, chính sách phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao ở hai vùng đồng bằng rộng lớn đối với một số tỉnh. Ví dụ như là ở đồng bằng sông Cửu Long hay đồng bằng sông Hồng, chúng ta cũng có thể chọn những tỉnh để có những cơ chế, chính sách tạo ra sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp.

Về mục đích và quan điểm, trong Tờ trình của Chính phủ xác định mục đích xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố là nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị đối với từng địa phương. Còn trong dự thảo các Nghị quyết thì ở điểm c khoản 1 Điều 7 của tất cả 4 nghị quyết đều xác định trách nhiệm của Chính phủ là đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của từng địa phương và trong giai đoạn tiếp theo. Hoàn toàn ủng hộ với việc ban hành chính sách đặc thù cho 4 địa phương để tạo động lực cho địa phương phát triển trong 5 năm tới và có thể trong giai đoạn tiếp theo như một số đại biểu băn khoăn là 5 năm không đủ để có thể có những chính sách phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, băn khoăn của đại biểu trong Tờ trình của Chính phủ và các dự thảo nghị quyết, ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố được thí điểm, chưa thể hiện được mục tiêu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới để có thể có cơ sở đánh giá tổng kết phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc và nâng chính sách pháp luật lên một chuẩn mới cao hơn. Nếu không đặt mục tiêu này thì ý nghĩa của việc thí điểm chính sách chỉ có giá trị đối với từng địa phương được thụ hưởng và mục đích của chúng ta muốn tạo ra những cơ chế, chính sách chung cho từng vùng kinh tế sẽ không thể thực hiện được. Đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu để thể hiện mục tiêu này và cụ thể là nên bổ sung vào điều, khoản về tổ chức thực hiện trong các nghị quyết, thêm nội dung đánh giá tác động của các chính sách đến sự phát triển của địa phương cũng như tổng kết nhân rộng chính sách chung để áp dụng rộng rãi cho nhiều địa phương khác.

Ngoài ra, về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 hecta giao cho Hội đồng nhân dân của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đại biểu đề xuất trong khi thực hiện chính sách này thì nên quan tâm tới vấn đề an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ là vấn đề hỏi ý kiến đồng bào mà cần phải có những nghiên cứu khoa học để đưa ra những dự án phù hợp./.