ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VŨ TIẾN LỘC: CẦN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐỂ HOÀN THÀNH DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

25/05/2022

Tại phiên họp Tổ về Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà nội cho rằng, chúng ta cần huy động nguồn lực của xã hội, nguồn lực của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển dự án này.

 

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà nội phát biểu

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.

Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Đường Hồ Chí Minh. Hằng năm, Chính phủ đều có báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh. 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Công trình Đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, đến nay dự án Đường Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo yêu cầu của Nghị quyết. Cụ thể, trong 5 năm (2017-2021), dự án Đường Hồ Chí Minh được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Phát biểu ý kiến tại Tổ, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà nội nêu rõ, dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Tuyến đường gắn liền với lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, là biểu tượng của tinh thần dân tộc, ý chí dân tộc.Vì thế, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm xây dựng, thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, dự án này thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành theo yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng đáng chú ý có nguyên nhân về thể chế, chính sách huy động nguồn lực trong phát triển hạ tầng giao thông.

Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là giao thông. Chúng ta rất cần huy động cả nguồn lực của xã hội, nguồn lực của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển. Đây là vấn đề cốt lõi, chừng nào chưa giải quyết được bài toán này, thì chừng đó giao thông vẫn tụt hậu và chi phí logistics ở nước ta vẫn cao, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, vì tạm thời chưa thể huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào dự án đường Hồ Chí Minh, thì vẫn cần thiết phải dùng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án thành phần còn lại, nhằm sớm thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Nhưng quan trọng, thông qua dự án này, chúng ta cũng phải rút ra bài học về thu hút đầu tư PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công - tư) trong phát triển hạ tầng giao thông để thu hút được đầu tư PPP đối với các công trình giao thông lớn, trọng điểm của đất nước./.

Thu Phương - Phạm Thắng

Các bài viết khác