ĐBQH VƯƠNG QUỐC THẮNG: CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG VỀ THỜI HẠN HOÀN THÀNH CÁC DỰ ÁN CAO TỐC

25/05/2022

Đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc để phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay.

 

Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Tại phiên thảo luận Tổ về Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Tờ trình đã tổng kết, đánh giá một cách cơ bản, toàn diện quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, cũng như đưa ra được những mục tiêu, giải pháp, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, hệ thống phụ lục kèm theo Báo cáo cơ bản đầy đủ, chi tiết, góp phần cung cấp thông tin cần thiết cho việc xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã đặt ra mục tiêu "Nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Tuy nhiên, qua đối chiếu với Phụ lục 1 của Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-Ttg, thời hạn hoàn thành dự án đối với một số dự án trong các văn bản này đang không thống nhất. Cụ thể, các đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Cam Lộ dự kiến hoàn thành trước năm 2030, nhưng trong Báo cáo của Chính phủ dự kiến các dự án này hoàn thành đến năm 2025. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc trong Báo cáo để phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho dự án chuyển tiếp là Cam Lộ-Tuý Loan, Chơn Thành-Đức Hoà và thanh toán dự án La Sơn-Tuý Loan đầu tư theo hình thức BT. Đặt vấn đề đoạn Đoan Hùng-Phú Thọ do ngân sách nhà nước hỗ trợ địa phương, các dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông và số vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho dự án Kon Tum- Pleiku có tính vào nguồn vốn theo Tờ trình của Chính phủ hay không, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng các số liệu, đảm bảo sự chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội.

Về hình thức chuyển đổi đầu tư dự án, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Tuý Loan thực hiện theo hình thức BT gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên đoạn từ Hoà Liên-Tuý Loan đã phải chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công (tháng 9/2021). Trong khi đó, Phụ lục 3 Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội đã xác định dự án thành phần thuộc đoạn La Sơn-Tuý Loan được đầu tư theo hình thức BT đã phải chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công quy định "cấp nào quyết định chủ trương đầu tư thì cấp đó có thẩm quyền quyết định điều chỉnh và chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Từ những phân tích trên, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc chuyển đổi hình thức đầu tư này có áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư công hay không./.

Minh Thành

Các bài viết khác