ĐBQH NGUYỄN ĐẠI THẮNG: TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CHO NGƯỜI NGHIỆN RƯỢU, THẤT NGHIỆP

28/10/2022

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng cần mở rộng đối tượng được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nghiện rượu, người thất nghiệp, người mắc tệ nạn xã hội.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cho người nghiện rượu, thất nghiệp

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo luật cũng như báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu nhận định, dự thảo luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia hợp lý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tọa đàm để tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và khảo sát, làm việc với một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, dự thảo đã được bổ sung hoàn chỉnh, cơ bản khắc phục những bất cập, hạn chế của dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng bày tỏ tán thành với việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình trong Điều 3 của dự thảo, tạo thuận lợi cho việc nhận diện và xử lý các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, dù có bao quát đến đâu cũng không thể quy định dự kiến hết các hành vi bạo lực gia đình diễn ra trong thực tiễn. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 3 của dự thảo nội dung như sau: các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình thì được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, quy định như vậy có tính bao quát và quá trình áp dụng thực hiện luật sau khi được thông qua có những hành vi mà chúng ta không lường hết được trong luật, nhưng có quy định như vậy thì chúng ta vẫn có căn cứ để xử lý những hành vi rõ ràng xác định là hành vi bạo lực gia đình.

Thứ hai, về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. Tại khoản 2 Điều 16 quy định việc tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào các đối tượng như: Người bị bạo lực gia đình; Người có hành vi bạo lực gia đình; Người có nguy cơ bạo lực gia đình; Người thường xuyên bị kỳ thị, phân biệt, đối xử về giới, định kiến giới; kỳ thị, phân biệt, đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực; Người chuẩn bị kết hôn.

Tuy nhiên nếu quy định như trong dự thảo thì một số đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình như nghiện rượu, người thất nghiệp, người mắc tệ nạn xã hội v.v., không thuộc đối tượng được tập trung tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, hạn chế việc gây bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm đối tượng tư vấn người có nguy cơ gây bạo lực gia đình vào khoản 2 Điều 16 dự thảo luật.

Cần quy định quyết liệt hơn trong việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an

Thứ ba, theo quy định tại Điều 24 của dự thảo, khi nhận được tin báo về vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Vì khi có vụ việc bạo lực gia đình xảy ra cơ quan chức năng phải kịp thời ngăn cản và xử lý theo quy định của pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an xã là tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Khoản 1 Điều 24 quy định, “Khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở.” Như vậy, công an xã chỉ tiếp nhận giải quyết vụ việc bạo lực gia đình khi được phân công giải quyết là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã.

Đại biểu nhấn mạnh, tại khoản 1 Điều 24 cần quy định mang tính quyết liệt hơn đối với người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an xã theo yêu cầu của công an xã. Theo đó, khoản 1 Điều 24 nên nghiên cứu sửa đổi lại như sau: khi có vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn, công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin, xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để đưa người được yêu cầu đến trụ sở, thể hiện tính quyết liệt đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình, khi có yêu cầu của công an xã rồi nhưng trốn tránh không đến thì công an xã có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến để đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Hồ Hương