ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG: KẾT HỢP LINH HOẠT CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VỚI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

29/10/2022

Tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng kiến nghị theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Phát biểu ý kiến về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình tại kỳ họp. Về đánh giá những kết quả nổi bật trong năm 2022, đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19 được đẩy lùi một cách cơ bản trên phạm vi cả nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá được kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra; vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư toàn xã hội tăng cao với chất lượng ngày càng tốt hơn; xuất khẩu tăng nhanh, xuất siêu đạt mức cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm; công ăn việc làm, đời sống nhân dân và người lao động được đảm bảo và từng bước được cải thiện so với thời kỳ trước đại dịch; chuyển đổi số cho nền kinh tế bước đầu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có bước bứt phá mới; dịch vụ được phục hồi, phát triển, đóng góp vào GDP với tốc độ cao. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhưng xét về mặt tổng thể, lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế vẫn đạt được những kết quả, có những mặt tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của nước ta như trong báo cáo đã thể hiện. Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, được bảo vệ vững chắc, đối ngoại không ngừng mở rộng và phát huy, góp phần vào nền hòa bình, hợp tác và phát triển thế giới.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Về những hạn chế, khuyết điểm, đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhất là đối với gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, hỗ trợ mất việc trong thời gian thực hiện giãn cách. Nhiều quy định thủ tục còn rườm rà nên hạn chế người dân đến khai báo hoặc phải bổ sung nhiều lần để được thụ hưởng gói hỗ trợ này, trong khi số cần hỗ trợ là rất lớn. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn nhiều năm qua chưa được khắc phục triệt để, nhiều khả năng không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra mặc dù ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, qua đây cho thấy kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa thật sự nghiêm.

Đại biểu cũng nêu rõ, đời sống của người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cơ sở, bởi lẽ từ tháng 7/2019 đến nay tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hằng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng trên dưới 4% làm cho tiền lương thực tế và đời sống giảm xuống tương ứng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch của lao động, cán bộ, công chức có tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ cao từ khu vực công sang khu vực tư trong thời gian vừa qua và đang có chiều hướng gia tăng.

Nhiều cử tri băn khoăn, bức xúc trước tình trạng "thổi giá đất", tạo cơn sốt ảo trên phạm vi cả nước. Tình trạng chậm tháo gỡ trong cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Các vụ cháy vẫn còn xảy ra nhiều, có vụ gây ra hàng chục cái chết thương tâm cho cán bộ và người dân làm nhiệm vụ. Điều này cho thấy công tác quản lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa thật sự sâu sát. Tình trạng lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng gia tăng mạnh, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Buôn bán ma túy và các chất cấm có phần nghiêm trọng hơn.

Toàn cảnh phiên họp

Về phương hướng năm 2023, đại biểu bày tỏ đồng thuận cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo. Đại biểu đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và các loại dịch bệnh khác nhằm góp phần đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Đại biểu cũng kiến nghị theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; giữ vững kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng khu vực động lực tăng trưởng trong nước, nhất là dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào cuối năm; đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai các chính sách đã ban hành trong thời gian qua; đánh giá đúng nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế; xem xét cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định phát triển trong nền kinh tế dài hạn. Công khai, minh bạch các thông tin về công tác điều hành giá. Đặc biệt, đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh các thông tin thất thiệt, gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý. Đây là yếu tố tác động làm cho lạm phát gia tăng.

Thêm vào đó, cần phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, các địa phương cần chủ động nắm chắc những vướng mắc trong cơ chế và tháo gỡ theo thẩm quyền, kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền, đảm bảo cho việc hấp thụ vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất.

Đại biểu cũng cho rằng, cần phát huy và khai thác tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại nhằm tiếp tục duy trì vững chắc khả năng chống chịu, thích ứng linh hoạt của khu vực này trong bối cảnh quốc tế hiện nay đã xuất hiện xu thế bảo hộ trong nước, sức mua tiêu dùng, vấn đề việc làm, thu nhập của người dân các nước trên thế giới suy giảm sâu do tác động bởi áp lực lạm phát tăng cao cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh hơn tại các nền kinh tế lớn, ảnh hưởng đứt quãng bởi chuỗi cung ứng sản xuất, dịch vụ toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị tại các khu vực sẽ dẫn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế dài hạn trên toàn thế giới. Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng sẽ hình thành hình thái kinh tế mới thay cho các hình thái kinh tế đang có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn trong hợp tác đa phương. Vì vậy, cần bám sát các thực tế này để chủ động, có giải pháp thích ứng, linh hoạt, đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế giai đoạn mới.

Theo đại biểu, trước mắt, tiếp tục tập trung khai thác các hiệp định thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Đặc biệt, phấn đấu thu hẹp khoảng cách giá trị xuất khẩu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm dần gia công cho nước ngoài trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác, quan tâm việc nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu hiện nay, trong đó chú ý biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhập khẩu du lịch.

Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thực tế cho thấy, dù nguồn lực dồi dào đến đâu nhưng thiếu sự quản lý một cách hiệu quả cũng không thể tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành của toàn hệ thống chính trị, tạo nên tính năng động, sáng tạo, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Minh Hùng