ĐBQH LÊ THỊ THANH LAN: CẦN KIỂM SOÁT NGUỒN GỐC, CHẤT LƯỢNG MẶT HÀNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP

31/10/2022

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Lê Thị Thanh Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần quan tâm đến kiểm soát nguồn gốc, chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp.

TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Lê Thị Thanh Lan đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực ngành tạo mọi điều kiện để các mặt hàng nông lâm, thủy sản, nông nghiệp có giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân luôn trăn trở về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Trong khi đó, một số loại nông sản hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, nếu tiêu thụ được thì bán giá thành thấp, thậm chí thua lỗ, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người nông dân. Do đó, cử tri kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp kịp thời cho nông dân nhằm giảm gánh nặng trong đời sống của họ. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp do tập trung phát triển nông nghiệp trở thành giữa lúa, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước thì các tỉnh nông nghiệp không thể cùng một lúc đầu tư phát triển công nghiệp hoặc lĩnh vực khác để phát triển cho tỉnh. Do đó, đa số các tỉnh nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực, trong cả nước.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Ngoài ra, đại biểu đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần quan tâm đến kiểm soát nguồn gốc, chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón trên thị trường.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, quy hoạch của vùng, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để người dân có nơi tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.

Các dự án đầu tư công còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước công ở nước ngoài. Hiện nay chưa triển khai các dự án đầu tư công, các dự án giao thông còn chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân cơ bản là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện chậm do phân nhóm dự án thuộc thẩm quyền từng cấp, chậm gây lãng phí. Vì vậy, để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, đại biểu Lê Thị Thanh Lan kiến nghị cho tất công tác giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập đối với các dự án nhóm B nhằm thúc đẩy tiến độ nhanh hơn.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lan đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phát triển văn hóa xã hội ngang tầm phát triển kinh tế để đất nước triển toàn diện hơn, hạn chế tai nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho nhân dân và sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức bỏ việc như hiện nay./.

Ánh Nguyệt