ĐBQH NGUYỄN THÀNH NAM: TẠO ĐIỀU KIỆN ĐẨY NHANH CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG

31/10/2022

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị, tiếp tục tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KT-XH, DỰ TOÁN NSNN VÀ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp vẫn còn phức tạp.

Góp ý về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, về điều chỉnh quy hoạch đất lúa, các loại đất rừng, trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân khai chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Trong đó, xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khi triển khai thực hiện mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10ha đất lúa, 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50ha đất rừng sản xuất thì một lần nữa phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Trên thực tế cho thấy, việc làm này đã làm chậm tiến độ việc triển khai các dự án đầu tư. Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội xem xét cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt, không phải xin ý kiến các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai để các cơ quan Trung ương dành thời gian tăng cường kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu về quy hoạch đất theo kế hoạch đã được duyệt.

Công tác chuẩn bị đầu tư kế hoạch sử dụng đất mất nhiều thời gian.

Về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất 2021-2030. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ cũng như một số địa phương trong cả nước đang đứng trước cơ hội lớn về tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai nhiều dự án lớn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thấp, đất khu công nghiệp đạt khoảng 40%, đất thể thao đạt 5% so với chỉ tiêu xác định nhu cầu. Mặt khác, trong giai đoạn đầu tư kế hoạch cần tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư từ khâu lập kế hoạch xây dựng, quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian. Thông thường khâu chuẩn bị đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp nếu không vướng mắc gì, chỉ mất khoảng 22 tháng, cụm công nghiệp mất khoảng 15 tháng, các dự án hạ tầng mất khoảng 9 tháng.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ thực hiện dự án Khu công nghiệp Tam Nông và Khu công nghiệp Hạ Hòa với tổng diện tích 750ha. Trên cơ sở quy hoạch các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2025 chủ đầu tư đã làm đầy đủ các thủ tục, hồ sơ trình các Bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, đến nay gần 2 năm vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, nhiều dự án, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu di tích lịch sử ở các địa phương không đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án hoặc chỉ thực hiện được một phần. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Chính phủ sớm quan tâm điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc gia của các địa phương có nhu cầu. Qua đây, tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 đối với đất khu công nghiệp là 2.485ha, đất thể dục, thể thao là 550ha.

Chỉ tiêu kế hoạch ruộng đất đến năm 2030 đối với đất khu công nghiệp của tỉnh  khoảng 4.500ha, đất thể dục thể thao là khoảng 1.200ha. Đây cũng là điểm nghẽn lớn trong việc làm, chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, sớm giải quyết được cơ chế này, không chỉ đáp ứng nguyện vọng của tỉnh Phú Thọ còn là mong đợi của tất cả các địa phương trong cả nước./.

Ánh Nguyệt