GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN CÁCH THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

07/01/2023

Trong năm 2022, cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét. Chia sẻ về hoạt động này, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, với nhiều đổi mới, cải tiến trong cách thức tổ chức thực hiện, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2022 đã đi vào thực chất, triển khai hiệu quả, đầy đủ các hoạt động giám sát trên tất cả các phương diện.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: ĐỔI MỚI MẠNH MẼ TƯ DUY VÀ CÁCH LÀM, GÓP PHẦN KIẾN TẠO SỰ PHÁT TRIỂN

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Nét đổi mới trong năm 2022 là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trình Đảng đoàn Quốc hội thông qua và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 để các cơ quan triển khai thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ khóa XV. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Với chủ trương chuẩn bị chủ động, từ sớm, từ xa và huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, việc triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng; chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt, hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tổ chức thành công 02 phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, kỳ họp thứ 3 và tổ chức 02 phiên chất vấn tại phiên họp thứ 9, thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, đặt câu hỏi, tranh luận cao; không khí các buổi chất vấn diễn ra sôi nổi, mang tính xây dựng, tích cực đi sâu vào các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, đúng, trúng những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lựa chọn, tiếp tục đưa ra chất vấn nhiều vấn đề đã được giám sát nhưng chưa có sự chuyển biến thể hiện tại nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV

Về hoạt động giám sát chuyên đề, trong năm 2022 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, chỉ đạo sát sao với nhiều đổi mới nổi bật trong tổ chức thực hiện và phương pháp giám sát, như: Cho ý kiến về Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát, trong đó xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết; giao Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giám sát chịu trách nhiệm về kết quả giám sát bước đầu tại địa phương và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát; trên cơ sở xem xét các báo cáo này và tình hình thực tế, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cơ quan, địa phương để tổ chức giám sát trực tiếp; Sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

Đồng thời, phát huy tối đa trách nhiệm của các thành viên Đoàn giám sát, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức các Đoàn công tác, Tổ công tác, khảo sát, làm việc, chuẩn bị cho Đoàn giám sát tổ chức giám sát trực tiếp. Ngoài ra, trong quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí thời gian nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của các Đoàn giám sát, vì vậy, đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát.

Nhờ đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cuộc giám sát chuyên đề ngày càng được nâng cao; từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tổ Công tác của Đoàn Giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Tp. Hà Nội

 Liên quan đến việc xem xét báo cáo của các cơ quan, Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận các báo cáo về kết quả công tác năm 2022 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…. Qua xem xét các báo cáo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành những quyết sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Chia sẻ về những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quôc hội trong năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2022, quán triệt tinh thần “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” hoạt động giám sát của Quốc hội góp đã phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; khắc phục các hạn chế tồn tại trong khâu tổ chức thực hiện.

Hoạt động giám sát đã tập trung vào các vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân quan tâm như: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tiếp công dân giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân,....  Kết quả giám sát, bước đầu làm chuyển biến về nhận thức và hành động về lĩnh vực được giám sát, đáp ứng mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Văn Nhã, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội, ĐBQH khóa XIV nhận định, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trogj, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Nhìn lại hoạt động giám sát năm 2022, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác tổ chức thực hiện hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Theo đó, việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất sát sao. Trong quá trình tiến hành giám sát cũng có nhiều điểm đổi mới so với thông lệ trước đây, cụ thể: Các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia; Sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;…

Ngoài ra, các Đoàn giám sát còn ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát. Căn cứ tình hình thực tế và các báo cáo liên quan, Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cơ quan, địa phương, cơ sở để tổ chức giám sát trực tiếp.

Tại địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, những đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm qua nhận được sự quan tâm, đồng tình của cử tri. Đại biểu nhấn mạnh, lần đầu tiên của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, giúp nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan giám sát và đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện và hình thức này cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới như không xác định đơn vị được giám sát ngay từ đầu mà căn cứ vào báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát và chịu sự giám sát và kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc Hội để lựa chọn đơn vị được giám sát. Công tác chuẩn bị giám sát kỹ lưỡng, chuẩn bị "từ sớm, từ xa" và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Kiểm toán, Thanh tra Chính phủ để nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề./.

Lê Anh

Các bài viết khác