ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: CẦN CÓ LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÙ HỢP, ĐẢM BẢO ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ

10/01/2023

Đóng góp ý kiến về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, sau khi dự thảo này được thông qua, Bộ Y tế cần tập trung quản lý chặt chẽ, có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo đánh giá khách quan năng lực hành nghề.

Đóng góp ý kiến về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này là một dự thảo luật rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của Nhân dân, sự ổn định, phát triển của đất nước. Sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từ quá trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thẩm tra, thảo luận qua 3 kỳ họp Quốc hội, bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra để có được bản dự thảo tương đối hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Song, chúng ta vẫn cảm thấy chưa yên tâm, bởi yêu cầu đặt ra là rất lớn, làm sao khi luật được ban hành phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao, tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn của ngành y tế và tạo động lực để ngành y tế của nước nhà tiếp tục phát triển.

Đại biểu bày tỏ thống nhất với Báo cáo, giải trình tiếp thu của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Theo đại biểu, trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, bổ sung khá đầy đủ, toàn diện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về y tế. Tuy nhiên, qua rà soát, vẫn còn một số vấn đề cần cân nhắc, suy xét kỹ hơn, đăc biệt về vấn đề kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề, Điều 24 và thời hạn của giấy phép hành nghề, Điều 27.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu nhấn mạnh, sau khi dự thảo này được thông qua, Bộ Y tế cần tập trung quản lý chặt chẽ, có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo đánh giá khách quan năng lực hành nghề; thực hiện cấp phép hành nghề đúng quy định; áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí và không gây khó khăn trở ngại cho người xin được công nhận năng lực hành nghề, cấp phép hành nghề.

Đại biểu cho rằng, về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4, khoản 5 Điều 4 quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Đại biểu cho biết quy định này là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay, đó là thiếu đội ngũ y bác sĩ tại các tuyến cơ sở. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động để quy định này đảm bảo tính khả thi. Bởi lẽ, việc luân phiên sẽ có tác động đến tâm lý, tình cảm, điều kiện làm việc, sinh hoạt của các đối tượng được điều chuyển. Mặt khác, việc đào tạo theo ê kíp, hình thành các ê kíp làm việc khoa học rất hiệu quả, nếu luân chuyển sẽ tác động nhất định đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vì phá vỡ đi các ê kíp này. Vì vậy, cần quy định cụ thể về hình thức luân phiên để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên khoa hóa trong khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư chiến lược lâu dài, trong đó có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc ở tuyến cơ sở, đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về y tế trong thời gian tới.

Về quyền kiến nghị và bồi thường tại Điều 4, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quyền của người bệnh vào khoản 1 với nội dung như sau: Được yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề xin lỗi trong trường hợp để xảy ra sai sót về trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh hoặc về chuyên môn kỹ thuật vì trên thực tế nhiều trường hợp sự cố y khoa xảy ra do lỗi của người hành nghề và của cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên người bệnh, thân nhân người bệnh không yêu cầu bồi thường mà chỉ cần một lời xin lỗi. Vì vậy, việc quy định người bệnh có quyền được yêu cầu người hành nghề, cơ sở khám, chữa bệnh xin lỗi rất cần thiết, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, giảm thiểu việc khiếu kiện, tranh tụng phức tạp.

Về thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 35, tại điểm c, d khoản 1 quy định các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề như: Giấy phép hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền, giấy phép hành nghề có sai sót về thông tin, giấy phép hành nghề cấp sai chức danh, chuyên môn, phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Như vậy, các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề nêu trên là do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề cấp sai thông tin, cấp không đúng thẩm quyền. Trong khi đó, việc cấp mới, cấp lại giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 và điểm a khoản 4 Điều 31 thì người hành nghề phải nộp phí theo quy định là không hợp lý, gây thiệt thòi cho người hành nghề khi sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các trường hợp nêu trên, đề nghị không thu phí khi cấp lại giấy phép hành nghề trong trường hợp bị thu hồi do lỗi sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Hồ Hương

Các bài viết khác