ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN NHI: BỔ SUNG NGƯỜI SỐNG Ở KHU VỰC KHÓ KHĂN VÀO ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

24/05/2023

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng dự thảo luật cần bổ sung người sống ở khu vực khó khăn vào đối tượng dễ bị tổn thương.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Bổ sung người sống ở khu vực khó khăn vào đối tượng dễ bị tổn thương

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng Ban soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ bản cũng đã rất hoàn thiện đối với dự thảo luật này.

Tham gia thêm một số ý kiến trước khi hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua, đại biểu cho biết, về đối tượng dễ bị tổn thương quy định tại khoản 4 Điều 2 của dự thảo luật, một trong những đối tượng dễ bị tổn thương đó là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng khi có sự cố hoặc thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì không riêng gì người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, mà ngay cả những người dân bình thường nói chung sinh sống ở những khu vực như thế này cũng đều bị ảnh hưởng và thiệt hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

 Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại nội dung này theo hướng một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, để từ đó chúng ta có những biện pháp cũng như những chính sách để hỗ trợ kịp thời khi sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự tại Điều 3, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc vào dự thảo luật, đó là hoạt động phòng thủ dân sự là trách nhiệm của toàn dân. Từ đó chúng ta có thể nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân cùng tham gia vào hoạt động phòng thủ dân sự.

Về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2, cấp độ 3, quy định tại Điều 24, Điều 25, đại biểu cho biết, tại khoản 7 Điều 25 của dự thảo luật quy định "Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu bổ sung vào Điều 24 thêm một khoản quy định cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được quyết định áp dụng biện pháp này trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 để khi có sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn một tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền quyết định tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.

Về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, tại Điều 31, tại điểm c khoản 1 Điều 31 dự thảo luật quy định nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, kịp thời, đúng đối tượng và tránh trùng lặp. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "tránh trùng lặp", vì trên thực tế cùng một sự cố, một thảm họa nhưng có trường hợp thiệt hại nhiều, có trường hợp thiệt hại ít và mỗi lần hỗ trợ có thể là những hàng hóa khác nhau, giá trị cũng khác nhau, có thể một đối tượng được hỗ trợ nhiều lần thì cũng hợp lý và đáp ứng được yêu cầu.

Theo đại biểu, nếu quy định "tránh trùng lặp" thì rất dễ dẫn đến chúng ta thực hiện một cách máy móc, một hộ gia đình đã nhận hỗ trợ một lần rồi thì không được nhận hỗ trợ nữa, trong khi hoàn cảnh của hộ đó vẫn còn rất khó khăn, cần nhiều sự hỗ trợ thì mới có thể vượt qua. Việc hỗ trợ này thì nên giao cho địa phương điều tiết trên tinh thần đảm bảo công bằng, công khai, kịp thời và đúng đối tượng.

Đảm bảo linh hoạt, kịp thời trong ứng phó sự cố

Tại điểm c khoản 2 Điều 31 có quy định tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra. Việc quy định phải phối hợp với Ủy ban nhân dân ở nơi được hỗ trợ như thế chưa thật sự linh hoạt, vì trên thực tế có nhiều trường hợp thiên tai, bão lũ, khẩn cấp thì các đoàn cứu trợ của tổ chức, cá nhân đi thẳng vào vùng lũ để kịp thời cứu trợ cho người dân. Trong khi khu dân cư đó ở cách xa Ủy ban nhân dân xã. Trong trường hợp nếu phải tìm đến Ủy ban nhân dân xã để phối hợp thì sẽ không cứu trợ kịp thời.

Ngoài ra, nếu việc phối hợp với chính quyền địa phương có khó khăn, chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến nhiệt tâm của nhà tài trợ. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa theo hướng ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương thì có thể tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng dân cư hoặc trực tiếp là đối tượng cần cứu trợ, hỗ trợ để linh hoạt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về Quỹ phòng thủ dân sự tại Điều 41, dự thảo luật đưa ra 2 phương án để xin ý kiến. Đại biểu chọn phương án 2, đó là trường hợp cấp bách thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, không nên thành lập Quỹ phòng thủ dân sự như phương án 1. Bởi vì, nếu thành lập thêm Quỹ phòng thủ dân sự thì sẽ phát sinh thêm bộ máy, chi phí quản lý, dễ gây thất thoát, lãng phí, thậm chí có những vi phạm. Hơn nữa, hiện nay đang tồn tại nhiều quỹ thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự, như Quỹ phòng, chống thiên tai theo Luật Phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Nếu thành lập thêm Quỹ phòng thủ dân sự sẽ chồng chéo, rất khó vận động để đóng góp.

Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy Ban soạn thảo đã có sự thống nhất với cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chọn phương án 1, nên đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội chọn phương án 1 thì cần rà soát các quỹ có liên quan để thống nhất, gom lại thành một Quỹ Phòng thủ dân sự chung.

Minh Thành