ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH PHÁT HUY VAI TRÒ ĐẦU TÀU KINH TẾ CẢ NƯỚC

30/05/2023

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Trao đổi bên lề phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo Nghị quyết đã có các cơ chế, chính sách tạo động lực để thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế với cả nước.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ TẦM NHÌN DÀI HẠN VÀ ĐỘT PHÁ HƠN ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14. Nghị quyết cũng bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó, có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Trao đổi bên lề phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính cấp thiết của Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh xuất phát từ tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để thành phố có thể đảm đương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Qua đó, đưa Tp.Hồ Chí Minh có một vị thế nổi trội trong khu vực châu Á và là đô thị ngang tầm với thế giới, đầu tàu của kinh tế số và xã hội số, điểm đến hấp dẫn toàn cầu cũng như là nơi mà thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đặc biệt, Tp.Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí đầu tàu, động lực quan trọng của cả nước mà sự năng động, sáng tạo và cũng là đô thị đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt của đô thị thành phố.

Toàn cảnh phiên họp

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH hướng đến yêu cầu đó, để thành phố phát huy hết các tiềm năng, lợi thế và đạt được mục tiêu của Nghị quyết 31-NQ/TW. Dự thảo Nghị quyết có các cơ chế, chính sách tạo động lực để Tp.Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế với cả nước. Các cơ chế, chính sách đó cũng giúp thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, trên tinh thần cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước.

Sau hơn 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, Tp.Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, có nhiều nội dung chưa đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, Nghị quyết 31-NQ/TW đặt mục tiêu phát triển Tp.Hồ Chí Minh ở vị trí mới, tầm cao mới; đặt thành phố so sánh với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, khi đặt yêu cầu kinh tế số đóng góp 40% vào tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) của Tp.Hồ Chí Minh cũng cần thể chế phù hợp.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra phải có thể chế vượt trội tương thích và phù hợp. Trên cơ sở tổng kết những kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH cho thấy rất cần bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tp.Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cũng như huy động được mọi nguồn lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Điểm nổi bật trong dự thảo Nghị quyết mà đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ là có những quy định vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi để Tp.Hồ Chí Minh phát huy được hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mình. Dự thảo mới có 12 điều với 7 nhóm cơ chế, chính sách có những vấn đề mới đột phá. Đơn cử như việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) rất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị hay sự ưu đãi đối với những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, ngành mũi nhọn, đột phá.

Dự thảo cũng cho phép Tp.Hồ Chí Minh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Tp.Hồ Chí Minh (HFIC), giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, các giải pháp đó là cơ chế đột phá tạo điều kiện để thành phố huy động được các nguồn lực nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH đã có những bài học kinh nghiệm nhất định. Với một đô thị đặc biệt như Tp.Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn nên rất cần một Luật Đô thị đặc biệt trong thời gian tới. Vì thế, việc triển khai thí điểm một số chính sách đặc thù cũng là cơ sở để triển khai, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.

Đại biểu cũng lưu ý, trong nội dung Nghị quyết đã bàn đến những vấn đề về quản lý đô thị, môi trường, quy hoạch, phát triển… để huy động được các nguồn lực của xã hội.  Đặc biệt, Tp.Hồ Chí Minh cũng đã huy động vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân chiếm trên 70%. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết lần này đã áp dụng các cơ chế BT, BOT, PPP trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn hoá và thể thao. Khi đó mới có đủ điều kiện để đầu tư hạ tầng cho kinh tế - xã hội, giao thông, kể cả văn hóa.

Với quy mô kinh tế lớn nhất nước và là một đô thị đặc biệt, trong khi chưa có Luật Đô thị đặc biệt, đại biểu cho rằng rất cần có một Nghị quyết riêng cho Tp.Hồ Chí Minh. Theo đó, Nghị quyết mới này cần có những chính sách, bao phủ trên nhiều lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, môi trường, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy, phát triển thành phố Thủ Đức…/.

Minh Thành