ĐBQH TRẦN THỊ THU PHƯỚC: KIỂM SOÁT CÁC NỘI DUNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN NỀN TẢNG SỐ

08/06/2023

Tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị phải kiểm soát các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số; đồng thời cần tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch, lựa chọn phương tiện định danh và xác thực phù hợp hơn.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

Kiểm soát các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phân tích, giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong chuyển đổi số của quốc gia. Tuy nhiên, việc tiến hành giao dịch điện tử cũng đem đến những thách thức và rủi ro mới. Việc tiến hành giao dịch điện tử đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý điều chỉnh để bảo đảm tính an toàn, đáng tin cậy và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử.

Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử cho phù hợp hơn trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, tạo ra một môi trường pháp lý rất thuận lợi để chuyển đổi các hoạt động từ thế giới thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên tham gia giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để dự án luật được hoàn thiện hơn, đại biểu có một số ý kiến đóng góp liên quan đến lĩnh vực công tác của ngành công an.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum 

Theo đại biểu phân tích, trong thời gian qua các hình thức tội phạm lợi dụng giao dịch điện tử ngày càng đa dạng và tinh vi, các hành vi lừa đảo, gian lận trên không gian mạng thông qua mạng xã hội, qua các ứng dụng thanh toán điện tử, nền tảng thương mại điện tử, qua các trang web giả mạo, hệ thống máy tính bị xâm nhập hoặc hành vi rửa tiền. Các hành vi tội phạm này không chỉ gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của người dân đối với giao dịch trên môi trường điện tử.

Dự thảo luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và quy định rõ ràng hơn về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử cũng như quy định trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng giao dịch điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nghiêm cấm, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng trung gian trong việc kiểm soát và loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số; trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.

Tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch, lựa chọn phương tiện định danh và xác thực phù hợp hơn

Đại biểu Trần Thị Thu Phước có chỉ rõ, Đề án 06 của Chính phủ là đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030. Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm nâng cao hiệu quả và sự minh bạch của hoạt động hành chính nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Trong thời gian qua, lực lượng công an đã giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng dữ liệu này, là nền tảng để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, đồng thời cũng để phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các ứng dụng và hệ sinh thái số liên quan, đảm bảo tính thống nhất liên thông, an toàn và bảo mật thông tin. Theo báo cáo của Chính phủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông, EVN đảm bảo độ "đúng, đủ, sạch, sống".

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng, với những kết quả đạt được như trên, nên quy định việc áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho các giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc khuyến khích sử dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đối với người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả và an toàn của các giao dịch, tránh sự phức tạp và lãng phí trong việc quản lý và sử dụng các phương thức xác thực điện tử khác nhau của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, cần phải có quy định để thiết lập các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử. Quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, phần mềm và nhân lực để đảm bảo hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an hoạt động ổn định, liên tục và an toàn.

Tại Dự thảo luật lần này cần nghiên cứu chỉnh lý tại khoản 3 Điều 4, đó là bổ sung cụm từ "định danh và xác thực điện tử" vào sau cụm từ "chữ ký điện tử". Việc bổ sung này cũng quy định về định danh và xác thực điện tử vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử, góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho các giao dịch điện tử, đảm bảo giá trị pháp lý của các giao dịch và tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch, lựa chọn phương tiện định danh và xác thực phù hợp hơn.

Minh Hùng