ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: KHẨN TRƯƠNG RÀ SOÁT, CẢI CÁCH TINH GỌN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

02/11/2023

Phản ánh thực trạng thời gian qua nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, cải cách tinh gọn các thủ tục hành chính; tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

ĐBQH NGUYỄN ĐẠI THẮNG: CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ, THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao

Theo Báo cáo của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ….

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản; nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm…

Nhiều ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế

Qua nghiên Báo cáo kinh tế- xã hội mà Chính phủ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Phản ánh thực trạng thời gian qua nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội xuất khẩu tinh bột sắn, Hiệp hội gỗ và lâm sản, Chi hội dăm gỗ đã bức xúc gửi đơn thư kêu cứu, đại biểu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Uỷ ban Tài chính, Ngân sách thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.

Đại biểu Hà bày tỏ đồng tình cao với những đánh giá và kiến nghị trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” của Ủy ban Tài chính, Ngân sách:“Các văn bản của ngành thuế thời gian qua thể hiện những cố gắng lớn của ngành để đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận hoá đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và cũng đã góp phần tăng cường nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý thuế địa phương”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh 

Tuy nhiên, theo đại biểu, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu (đặc biệt là 3 nhóm ngành hàng: tinh bột sắn; gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su) thời gian qua có nguyên nhân chính xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng Cục thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Đại biểu nêu rõ, đối với nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dăm gỗ, sản phẩm từ gỗ và cao su, Tổng cục Thuế hướng dẫn, chỉ đạo các Cục thuế thực hiện rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng từ F1, F2,… đến khâu thu mua từ người dân là quá mức cần thiết bởi theo quy định của Luật Thuế GTGT, thuế GTGT chỉ bắt đầu phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến (có hoá đơn GTGT). Với các khâu chưa có thuế, chưa có hoá đơn GTGT thì không phát sinh việc hoàn thuế GTGT và gian lận hoàn thuế, vì vậy, việc yêu cầu xác minh cả đối với những khâu này là không cần thiết và không có cơ sở.

Doanh nghiệp xuất khẩu một lô hàng xuất khẩu dăm gỗ phải thu mua gỗ từ nhiều địa bàn của rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, nên cần thời gian rất dài để xác minh. Chi cục Thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn và cũng không đủ nguồn nhân lực đi xác minh việc này, nên nếu xác minh phải nhờ đến đơn vị thứ 3 là cơ quan công an, với khối lượng công việc nhiều, cán bộ ít, để xác minh mất rất nhiều thời gian.

Trong nhóm các mặt hàng gỗ, dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ, có những mặt hàng là các sản phẩm đã qua khâu chế biến và có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm gỗ, gỗ dán, viên gỗ nén; doanh nghiệp xuất khẩu có thể dễ dàng được kiểm tra về tính tuân thủ thông qua đầu vào từ các nhà máy chế biến và đầu ra là các đối tác xuất khẩu lâu năm… Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn trong ngành đã yêu cầu rà soát, xác minh không phân biệt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chưa chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến là chưa thật phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định, việc Tổng cục thuế xác minh đến tận khâu thu mua từ người dân là chưa thật phù hợp và nhất quán với các quy định pháp luật hiện hành.

Đối với nhóm mặt hàng tinh bột sắn, đại biểu cho biết, việc yêu cầu doanh nghiệp Việt nam phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc và coi đây là căn cứ để cho rằng doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế là chưa đủ thuyết phục. Tổng cục Thuế cần chấp nhận tính pháp lý của Tờ khai hải quan để đánh giá về tính xác thực của khối lượng xuất khẩu.Việc xin ý kiến các cơ quan tư pháp về “tính pháp lý” của các hợp đồng mua bán của bên đối tác Trung Quốc từ các thông tin của cơ quan thuế nước ngoài để đánh giá về tính thực chất của hoạt động xuất khẩu không phải là cách giải quyết một cách thấu đáo đối các hồ sơ tồn đọng về xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay.

Đại biểu cho rằng, ngành thuế đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và chưa xem kỹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro. Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế GTGT. Theo số liệu báo cáo của ngành thuế Đối với lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ: Số hồ sơ tồn, chưa giải quyết hoàn của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là 149 hồ sơ, xấp xỉ 9% tổng số hồ sơ đề nghị. Nhưng trên thực tế, với các doanh nghiệp thì vốn đọng vào tiền hoàn thuế GTGT còn cao hơn rất nhiều bởi có nhiều doanh nghiệp vì nộp sơ hoàn thuế lần đầu vướng mắc nên chưa nộp hồ sơ tiếp theo. “Đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa, máy móc trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ đồng phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh; người lao động mất việc làm; giá nguyên liệu đầu vào thấp, người dân bị thiệt hại” đại biểu Hà nêu rõ.

Khẩn trương cải cách tinh gọn thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Từ những vướng mắc trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã có chỉ đạo. Tuy nhiên văn bản của Tổng cục thuế đã ban hành trước đó, có bất cập, nhưng không có chỉnh lý, thu hồi, nên các địa phương đang áp dụng khác nhau, địa phương thì giải quyết hoàn thuế, địa phương thì không giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo khẩn trương rà soát, cải cách tinh gọn các thủ tục hành chính; Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp khẳng định việc xác định nguồn gốc sản phẩm gỗ rừng trồng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Thu Phương

Các bài viết khác