BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA UBTVQH VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

03/11/2023

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quan tâm bảo đảm các nguồn lực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN THỊ MAI HOA - ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP: NHÀ NƯỚC CẦN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác giáo dục - đào tạo trong thời gian qua, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét; nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế…

Trong thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Đồng thời chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Phản ánh về thực trạng thiếu giáo viên và chính sách nhà giáo cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, đây là vấn đề then chốt, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Mặc dù ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả trong nửa nhiệm kỳ dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng bày tỏ lo ngại về việc thực hiện một số mục tiêu về chất cũng như về lượng trong lĩnh vực giáo dục mà kế hoạch 5 năm đề ra.

Nhấn mạnh việc đổi mới chương trình học gắn với triển khai dạy tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông trên thế giới, nhưng đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, với chúng ta chỉ là đang bắt đầu, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ chuyên môn của giáo viên. Theo đại biểu, giáo viên cần được đào tạo ngay từ trường đại học, trang bị kiến thức theo xu hướng giáo dục mới một cách chính quy để có đủ năng lực, kiến thức nền chuẩn để truyền thụ cho học sinh. Trong khi đó, đa phần giáo viên hiện nay mới được tập huấn, đào tạo trong các lớp ngắn hạn, việc này gây áp lực lớn cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Bảo đảm nguồn lực thực hiện Nghị quyết của UBTVQH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Quan tâm về việc phân ban chương trình giáo dục bậc phổ thông trung học, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình và đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đều cho rằng, chưa có sự đồng bộ trong xây dựng giữa các bộ môn khi cho học sinh chọn phân ban, chọn tổ hợp. Việc phân ban, tổ hợp giữa các trường, các địa phương cũng không đồng đều ở các trường, các địa phương. Trong đó, với học sinh là con công nhân, thường xuyên phải chuyển nơi ở, chuyển trường do điều kiện kinh tế, việc làm của cha mẹ không ổn định, việc theo học và theo kịp chương trình học của con em lao động là tương đối khó khăn, nên cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Về vấn đề lạm thu trong các trường học gây xôn xao trong dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình  cho biết, dù là tỉnh còn khó khăn nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, để chia sẻ khó khăn của người dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua nghị quyết miễn, giảm học phí cho năm học 2023-2024 cho học sinh, được dư luận đồng tình. Trước đó, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành danh mục các khoản thu dành cho nhà trường với mức thu rõ ràng, phù hợp nên Quảng Bình hạn chế tình trạng “lạm thu”.

Đại biểu cho biết, tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có cơ chế này. Và dù hợp lý, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục thì sẽ xảy ra tình trạng “thắt chỗ này, phình chỗ kia”, chính sách ưu việt của việc miễn, giảm, kéo dài thời gian tăng học phí sẽ ko bù đắp nổi với những khoản phí “phát sinh” mà phụ huynh phải gánh vác. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, Chính phủ sớm nghiên cứu, có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định huy động để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Chính phủ chỉ quy định mức trần và giao thẩm quyền cho địa phương tự quyết mức học phí cho phù hợp với mức sống, điều kiện cụ thể của từng địa phương để đảm bảo không bị lạm thu.

Đại biểu Quốc hội  Nguyễn Minh Tâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm bảo đảm các nguồn lực thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tránh chủ trương đổi mới rất tích cực nhưng không khả thi vì không đủ nguồn lực và tạo nên những khập khiễng khi triển khai trong thời gian tới./.

Thu Phương

Các bài viết khác