Theo đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2023). Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô. Tuy Dự thảo Luật đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng vẫn mang tính định hướng chính sách mà chưa tạo được cơ sở pháp lí rõ ràng.
Để đạt được hiệu quả tốt, Điều 17 của Dự thảo đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc một số điểm sau về: Vị trí, tính phân hóa, cơ chế sử dụng nhân tài,.. Cụ thể:
Về vị trí Điều 17 chưa phù hợp
Điều 17 hiện đang được đặt trong Chương II (về Chính quyền tại Thủ đô). Như vậy đặt ra câu hỏi là Điều 17 có mục tiêu là gì? Mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền tại Thủ đô hay thu hút nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực? Việc xác định đúng mục tiêu sẽ quyết định nội dung chi tiết của Điều này.
Nếu mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chính quyền tại Thủ đô. Như vậy có phần hạn hẹp so với phạm vi điều chỉnh của một Đạo luật về Thủ đô, tạo ra khoảng trống về nhu cầu thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với toàn bộ các hoạt động ở Chương III của Dự thảo (về Xây dựng, Phát triển, Quản lý và Bảo vệ Thủ đô) với sự tham gia của không chỉ Chính quyền mà còn của nhiều cá nhân, tổ chức khác. Ở đây, việc xây dựng Luật Thủ đô cần hướng tới xây dựng môi trường sống, không gian và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội - an ninh của Thủ đô chứ không phải chỉ tập trung vào các quy định về cơ cấu, thẩm quyền, vai trò của Chính quyền tại thủ đô.
Nói cách khác, nội dung quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nên được sắp đặt ở phần Những quy định chung hoặc ít nhất là ở Chương III. Bởi nhu cầu thu hút nhân tài cho sự phát triển của Thủ đô cần được đặt trong bối cảnh có sự cân nhắc với sức hút từ một số địa phương trọng điểm khác, chứ không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Chưa có tính phân hóa
Nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,…. Và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Đại biểu cho rằng, có những cá nhân rất xuất sắc nhưng không hoặc rất khó phù hợp để làm việc trong khu vực công dù cho nhận được ưu đãi tốt đến mức nào. Chẳng hạn như chính sách thu hút các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, nghệ sĩ đoạt giải cao tại các kì thi khu vực, quốc tế vào làm việc trong khu vực công sẽ có thể không hoàn toàn phù hợp khi họ phải xa rời môi trường tập luyện để có được thành tích cao. Đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, còn cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 của Dự thảo còn quy định trường hợp “có tài năng đặc biệt” được kí hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lí, điều hành. Đây có thể cũng là cách tiếp cận đã tương đối lạc hậu bởi vì những người có tài năng đặc biệt về chuyên môn thì chưa chắc đã có năng lực phù hợp với các vị trí quản lí, điều hành. Nếu chỉ nêu ra điều kiện, tiêu chí này và cất nhắc vào các vị trí quản lí thì vừa có thể làm giảm động cơ, thời gian phát triển năng lực đặc biệt của ứng viên mà vừa làm hỏng bộ máy quản lí.
Chưa có quy định rõ về cơ chế sử dụng nhân tài
Các nội dung của Dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng. Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực, cơ chế xin - cho, điều kiện thủ tục đề nghị cấp phép các hoạt động/đề án/đề tài rườm rà, thiếu cơ chế tự làm - tự chịu trách nhiệm,… đã dẫn đến tâm lí chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công trong chưa đầy 3 năm gần đây. Như vậy cho thấy chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, đến các công chức, viên chức thông thường cũng chưa “giữ chân” được một cách hiệu quả. Dự thảo có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chí được sử dụng để đánh giá Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) trong đó bao gồm bốn tiêu chí quan trọng: Thu hút nhân tài, Phát triển nhân tài, Giữ chân nhân tài, Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài, và hai tiêu chí cân nhắc là: Kĩ năng/kĩ thuật đào tạo nghề, Kĩ năng tri thức toàn cầu.
Cần quy định cụ thể, khả thi quy định thu hút nhân tài tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chưa thể hiện được tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng
Thủ đô Hà Nội, cũng giống như các địa phương khác sẽ luôn trải qua các thời kì phát triển khác nhau gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài. Vì vậy, cần ghi nhận thẩm quyền tự chủ của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kì.
Nếu đặt quy định về thu hút nhân tài về phần Những quy định chung và tương ứng có quy định về thẩm quyền tự chủ của Chính quyền tại Thủ đô sẽ hợp lí hơn so với việc đưa thẩm quyền tự chủ này vào các điều khoản riêng lẻ ở các Phần, các Chương. Thủ đô Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhưng các quy định của Nghị quyết cũng không có khác biệt lớn so với khung cơ chế chung toàn quốc về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Điểm khác căn bản là đãi ngộ về vật chất thu hút ban đầu, được hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao năng lực. Nhưng xét theo chênh lệch về mức chi tại Thủ đô so với các địa phương khác cũng chưa hẳn là ưu đãi vượt trội. Chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền thự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.
Chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao
Đây là một trong số các yếu tố quan trọng cần được minh định rõ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công. Ngoài chế độ lương và phụ cấp xét theo vị trí việc làm, cần có quy định về chế độ thù lao dành cho những cống hiến xuất sắc hoặc giá trị do các ứng viên tài năng tạo ra sau khi đã được tuyển dụng. Điều 18 mới chỉ quy định về chế độ tiền lương, thu nhập nói chung.
Nội dung quy định về chế độ thù lao dành cho nhân tài, nhân lực chất lượng cao có thể đặt ở điều khoản chung về thu hút nhân tài; hoặc có khoản riêng trong Điều 18 về chế độ lương, thu nhập. Hơn nữa, cũng nên có sự tách bạch giữa nhân tài trong khu vực công và nhân tài được thu hút về khu vực tư (vì cùng đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô). Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã trao cho Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh được quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Thành phố. Đây là kinh nghiệm để Dự thảo Luật Thủ đô nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp./.