CẦN CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ HƠN ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

11/11/2023

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết kế những chính sách đột phá hơn để sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút, tương xứng với vai trò và sự phát triển của thủ đô, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ KHÔNG PHẢI CHỈ RIÊNG CỦA HÀ NỘI MÀ THỰC CHẤT LÀ CHO CẢ NƯỚC

THẢO LUẬN TỔ 13: PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN, GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ ĐỂ THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

Trao quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định cụ thể về thu hút nhân tài

Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, đại biểu tán thành với các chính sách thể hiện tinh thần “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đưa vào trong dự án Luật.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị của những “nguyên khí của quốc gia” này, để là động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chính sách đột phá và tương xứng với vai trò của nhân tài đối với sự phát triển của một địa phương, quốc gia.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, dự thảo Luật đã quy định một số chính sách để thu hút đầu vào đối với nhân tài, như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng lại chưa quy định cụ thể về cơ chế sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút. Vì vậy cần nghiên cứu để quy định cụ thể về tiền lương, các thu nhập khác đối với nhân tài, cũng như ưu đãi về chỗ ở, phương tiện đi lại, về y tế, giáo dục cho thân nhân của nhân tài.

Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý, Hà Nội có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, với sự quy tụ của nhiều nhà khoa học, nhân tài chất lượng cao trên khắp thế giới, như vậy cần đưa ra chính sách để quy tụ lực lượng này vào các dự án, chương trình nghiên cứu chuyên sâu của thành phố Hà Nội.

Đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành với đổi mới chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định tại Điều 13 của Luật Thủ đô 2012. Trên cơ sở quy định đó sẽ áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai thu hút nhân tài cần đi kèm với cơ chế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng trong dự thảo Luật còn hạn chế. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng chưa có thành tích vượt trội, nổi bật. Thành phố cũng chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp, khiến chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn.

Để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”, trong đó cần cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Để quy định có tính khả thi hơn, theo đại biểu Dương Khắc Mai, cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, Cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. 

Đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm, với môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, trong môi trường mà người tài được phát huy bộc lộ năng lực sở trường, được trọng dụng thì còn ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Cần tiêu chí rõ ràng để thu hút nhân tài

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chỉ ra thực tế, thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập nhưng khi về không làm được việc hoặc có những người học xong không quay trở lại làm việc trong nước mà ở lại nước ngoài. Do đó, cần có những tiêu chí rõ ràng, rành mạch để thu hút nhân tài và dựa vào đó để quy định những chính sách cho nhân tài của Hà Nội, tránh “tiền mất, tật mang”, chính sách bị phản tác dụng.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hoà quan tâm đến các quy định về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như: tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập..bởi trong dự thảo Luật còn thể hiện khá khiêm tốn, chưa cho thấy mong muốn khuyến khích tuyển dụng nhân tài của Thủ đô Hà Nội. Trong dự thảo Luật mới nêu ra các thủ tục, quy trình về mặt hành chính để một người tài năng, có thế mạnh nhất định ở những lĩnh vực nhất định thì sẽ được xét tuyển, sẽ được ký hợp đồng. Theo đó, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị, cần có một điều khoản ghi rõ và khẳng định, Hà Nội mời, khuyến khích, trọng dụng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng, có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan thành phố. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô.

Hải Yến

Các bài viết khác