ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN: CẦN XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐỂ HÀ NỘI TRỞ THÀNH TRUNG TÂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ HÀNG ĐẦU CỦA CẢ NƯỚC

27/11/2023

Góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng, cần xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

GÓC NHÌN: GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT NHÂN TÀI, CHẾ ĐỘ THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Nhiều đại biểu đánh giá dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với rất nhiều điểm mới trong thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, vẫn cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khoa học - công nghệ của Thủ đô tại Điều 25. Trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Lan, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Phóng viên: Thưa đại biểu, đưa Hà Nội trở thành trung tâm của phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn sản xuất là một trong ưu tiên chính sách sửa đổi Luật Thủ đô lần này. Quan điểm của đại biểu với quy định tại Điều 25, đảm bảo thực hiện mục tiêu này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Tôi đánh giá cao ban soạn thảo đã chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô 2012; xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới, bảo đảm tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển đất nước nói chung và của Thủ đô trong thời gian tới nói riêng, cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với rất nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khoa học - công nghệ của Thủ đô, trong đó chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo luật.Theo đó, Điều 25 Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã làm rõ và đánh giá cao việc phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học, xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô. Cũng tại khoản 2 Điều 25, các chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ Đô được hưởng các ưu đãi. Trong đó, thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ được xác nhận là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. 

Đáng chú ý, điểm mới quan trọng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đó là việc "Quyết định hoặc uỷ quyền quyết định cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học - công nghệ, dự án khởi nghiệp sáng tạo". Theo đó, quy định này có ý nghĩa như một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết được nhiều vướng mắc trong vấn đề chuyển giao, tài sản công và sở hữu trí tuệ. 

Phóng viên: Rõ ràng đã có nhiều quy định đột phá hơn đối với lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tuy nhiên đại biểu đã hoàn toàn đồng tình với đề xuất khoán chi theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học hay chưa?

ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Với vấn đề này, tôi đề nghị cần xem xét thêm một số nội dung cụ thể. Theo đó, tại Mục a, Khoản 1, Điều 25, Dự thảo đã đề xuất khoán chi theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ, đây đã là một sự thay đổi để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi bổ sung là khoán theo cả các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Tôi cũng đề nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao UBND TP. Hà Nội xây dựng một số Chương trình khoa học công nghề và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần, gắn với sản phẩm cuối cùng, mang thương hiệu của Thành phố.

Riêng Điều 25 của Dự thảo, tôi đề xuất nên bổ sung quy định: Thành phố ưu tiên hỗ trợ/miễn thuế thu nhập, miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ thương mại các công nghệ nghiên cứu từ các trường đại học; Quỹ đầu tư ươm tạo và khởi nghiệp sáng tạo của thành phố hỗ trợ kinh phí để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin off trong trường đại học, hỗ trợ kinh phí hình thành các hợp tác xã trong trường học; hỗ trợ kinh phí để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của thành phố, của các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố để đủ tiềm lực thực hiện các đặt hàng của thành phố...Đồng thời, phải có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có tham gia hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ từ trường đại học trên địa bàn để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường đại học và chính quyền thành phố tạo sự phát triển bền vững

Đồng thời, nên bổ sung quy định, đó là thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí đào tạo, có chế độ lương, thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nên ban hành điều khoản hoặc chế tài để xử lý vi phạm bản quyền công nghệ, vi phạm giá trị thương hiệu sản phẩm, sự không minh bạch, không trung thực trong hoạt động khoa học - công nghệ và chuyển giao trên địa bàn và các tổ chức trên tỉnh thành khác nhận chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hà Nội, làm hình mẫu cho cả nước. Khoa học - công nghệ được coi là động lực then chốt, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế xã hội, đặc biệt là nền kinh tế tri thức nên Luật Thủ đô cần quy định cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá về khoa học công nghệ để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác