ĐBQH DƯƠNG BÌNH PHÚ: ỨNG DỤNG CÁC THÀNH TỰU KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN VÀ ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BIỂN

27/02/2024

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về công tác triển khai nhiệm vụ ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học biển.

ĐBQH DƯƠNG BÌNH PHÚ: ĐỀ NGHỊ THU HẸP PHẠM VI CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU CHỈ TRONG LĨNH VỰC DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên 

Đại biểu Quốc hội Dương Bình Phú cho biết, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP để triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ngành khoa học và công nghệ được giao nhiệm vụ “ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học biển”. Đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết "Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai nhiệm vụ này thế nào? Kế hoạch trong thời gian tới?”.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đã có Văn bản số 2389/BKHCN-XNT nêu rõ:

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 26/NQ-CP để triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai các nội dung sau:

Về xây dựng chính sách, pháp luật

Ngày 03/4/2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-BKHCN về Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP với hai mục tiêu: (1) Cụ thể hóa việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực KH&CN được nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, bảo đảm KH&CN thực sự là khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; (2) Phát triển KH&CN biển Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, thuộc vào nhóm nước dẫn đầu ASEAN. Góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ KH&CN biển có năng lực, trình độ cao.

Về xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN về khoa học biển

Chương trình KH&CN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Bộ KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025” tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017. Trong đó lĩnh vực khoa học biển tập trung nghiên cứu (1) Hải dương học và tương tác biển – khí quyển – lục địa; (2) Hóa học biển; (3) Sinh học và sinh thái biển; (4) Địa lý, địa chất, địa vật lý biển; (5) Cơ học và công trình biển.

Chương trình do Bộ KH&CN phê duyệt: Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến 2030 có liên quan đến ứng dụng và phát triển khoa học biển như: (1) Chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, giai đoạn 2021-2030” mã số KC.09/21-30; (2) Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp", mã số: KC.07/21-30; (3) Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”, mã số: KC.12/21-30.

Kết quả đã đạt được

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã cụ thể hóa nhiệm vụ của KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

Thứ nhất, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến theo hướng đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN biển gắn với điều tra cơ bản biển;

Thứ hai, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tiên tiến, xuất sắc như: công nghệ sinh học biển; công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có và kết hợp với hợp tác quốc tế trong hỗ trợ các nguồn lực để triển khai;

Thứ ba, góp phần đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, ngành; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển, đảo của Việt Nam; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức KH&CN biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.

Thứ tư, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào t các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các thể chế trong khu vực và hợp tác với các tổ chức quốc tế về nghiên cứu KH&CN biển. Tham gia tích cực các hoạt động quốc tế hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác với các nước có thế mạnh về KH&CN biển.

Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các Chương trình KH&CN, cụm nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp có liên quan đến phát triển kinh tế biển, cụ thể như:

. Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021), trong đó có tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm Thu thẻ chân trắng). Mục tiêu về KH&CN tại các Đề án khung phát triển sản phẩm là: làm chủ công nghệ chọn tạo giống chất lượng cao và có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện được quy trình canh tác tiên tiến, cho năng suất cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm... giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quy trình chế biến nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền bững...

. Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021), trong đó có Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra và đưa vào sản xuất các giống thủy sản sạch bệnh, có tốc độ sinh trưởng nhanh và sức chống chịu cao với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất con giống có chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực như giống cá biển, giống tôm sạch bệnh.

. Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015) nhằm ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Bảo tồn kết hợp với chọn tạo nguồn gen thủy sản có năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng chống chịu với điều kiện môi trường bất thuận, sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường biển.

. Triển khai một số cụm nhiệm vụ liên quan đến phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn, cát mặn: Xây dựng và triển khai một số cụm nhiệm vụ KH&CN nhằm giải quyết đồng bộ từng vấn đề liên quan đến phòng và chống sạt lở, xâm nhập mặn ĐBSCL như cụm 06 nhiệm vụ nhằm tìm giải pháp, ứng dụng, xây dựng mô hình và chính sách hiệu quả cho phòng và chống xói lở đối với 08 tỉnh ven biển phía Tây Nam bộ; Hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu trong nước triển khai các nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu, sử dụng cát mặn làm vật liệu xây dựng trong xây dựng các công trình hạ tầng ven biển và hải đảo; xử lý, sử dụng cát mặn thay thế cát tự nhiên trong xây dựng giao thông, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình xây dựng dân dụng;…

Tồn tại, hạn chế

Thời gian qua, không gian và đối tượng nghiên cứu chủ yếu tập trung ở vùng biển ven bờ, còn rất hạn chế các nghiên cứu ở vùng biển sâu, biển xa. Do hạn chế lớn về phương tiện và thiết bị khảo sát (cần phải đầu tư kinh phí đầu tư lớn) và cả về trình độ, kinh nghiệm của cán bộ khoa học nên các công trình nghiên cứu cho các vùng biển sâu và biển xa còn rất hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu khảo sát của nước ngoài, hoặc thực hiện được nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế. Những hạn chế này, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, ngăn ngừa phòng chống thiên tai, mà còn hạn chế về khả năng đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Kế hoạch và giải pháp trong thời gian tới

Bám sát vào nội dung của các Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt như sau:

Một là, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai và tăng cường kinh phí cho các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể từng vấn đề lớn như bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phòng và chống sạt lở, xâm nhập mặn, giống thủy sản, mô hình hiệu quả và bền vững... để đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của các Chương trình KH&CN.

Hai là, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của các địa phương có biển, đảo và gắn với doanh nghiệp.

Ba là, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, TN&MT và các địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học triển khai nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng vào thực tiễn các mô hình, giải pháp hiệu quả gắn với chuỗi sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và hải sản nói riêng. Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục xem xét, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để xử lý, sử dụng cát mặn thay thế cát tự nhiên; Lập kế hoạch xây dựng, thẩm định và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến cát mặn làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Bốn là, nâng cao vị thế ngành khoa học biển, đồng thời với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam thông qua các công bố quốc tế về khoa học biển. Góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về KH&CN biển trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.../.

Lê Anh