ĐBQH TRÁNG A DƯƠNG: NHỮNG BẤT CẬP TRONG KINH DOANH BẢO HIỂM VÀ VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC NGOẠI GIAO CẦN ĐƯỢC LẮNG NGHE, GIẢI QUYẾT KỊP THỜI

17/03/2024

Đóng góp ý kiến vào Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Uỷ bna Thường vụ Quốc hội, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: Những bất cập trong kinh doanh bảo hiểm và vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao cần được lắng nghe, giải quyết kịp thời trong thực tiễn cuộc sống…

CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 31: KỲ VỌNG LÀM RÕ TỒN TẠI, GIẢI PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH VÀ NGOẠI GIAO

Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày 18/3 để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài chính và Ngoại giao. Cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan sẽ tham gia trả lời tại Phiên chất vấn. 

Xung quanh phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử phỏng vấn đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng như các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan. Đại biểu có thể cho biết sự quan tâm, ý kiến của mình về các nội dung sẽ được đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn?

ĐBQH Tráng A Dương: Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khai mạc vào ngày 14/3/2024, diễn ra trong 3,5 ngày và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trước khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội thông qua. Cụ thể, gồm dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản… Đáng chú ý là tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày (18/03/2014) để thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 02 nhóm vấn đề liên quan đến tài chính và ngoại giao. Có thể nói, đây là hai nhóm nội dung quan trọng mà hiện nay đang được dư luận và cử tri người rất quan tâm.  

Nhóm nội dung thuộc lĩnh vực của tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn tập trung chủ yếu xoay quanh lình vực công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó là việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Trong thời gian qua, hoạt động bán bảo hiểm đã phát triển nhanh chóng, mang lại doanh thu không nhỏ cho các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của khách vào bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm nhân thọ, thêm vào đó là các dịch vụ đi kèm chưa tương xứng, trong khi đó nhiều khách hàng đã là nạn nhân của bảo hiểm nhân thọ, nhất là quá trình tư vấn và mua bảo hiểm với hợp đồng không rõ ràng về quyền lợi của khách hàng...  

Qua theo dõi và nắm tính hình hiện nay, có rất nhiều loại bảo hiểm nhưng chất lượng phục vụ khách hàng ra sao thì chưa được kiểm trứng làm rõ. Mặt khác, nhiều đơn thư khiếu kiện của khách hàng liên quan đến bảo hiểm nhưng việc thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua được Bộ Tài chính đánh giá như thế nào thì cần phải xác minh cụ thể.  

Trong lĩnh vực của Bộ Ngoại giao, tại phiên chất vần này sẽ tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao một số vấn đề như: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam… qua đó nổi lên một số nội dung đáng chú ý cụ thể như sau:

Thứ nhất: Việc ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, liên quan đến việc bảo hộ đối với công dân ở nước ngoài rất quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được về bảo hộ công dân trong thời gian qua thì hiện nay công tác bảo hộ công dân đối với người lao động di trú còn gặp khó khăn như cơ chế phối hợp của Việt Nam với các quốc gia sở tại vẫn đang là một khâu yếu, nhất là tại những địa bàn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao. Đối với nội dung này, tôi dành sự quan tâm tới phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao liên quan đến những giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới như thế nào?

Các đại biểu tham dự Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai: Để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặt biệt kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ Ngoại giao đã sơ kết đánh giá kết quả sau hơn 2 năm triển khai kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã đạt được kết quả và khó khăn gì?

Phóng viên: Với những nội dung trên, đại biểu có ý kiến, đề xuất với các thành viên Chính phủ, các Bộ ngành liên quan trong việc giải quyết những bất cập trong lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đang quản lý?

ĐBQH Tráng A Dương: Để kinh doanh bảo hiểm hoạt động lành mạnh và thu hút tham gia thì cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Cần siết lại quá trình đào tạo tư vấn viên, bắt buộc phải sát hạch cả trình độ và đạo đức nghề nghiệp được cho là những bước đầu tiên và quan trọng nhất, giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ hoạt động lành mạnh.

Hai là: Hợp đồng bảo hiểm dài đến cả trăm trang, nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc nhiều điều khoản loại trừ. Nếu không được tư vấn đầy đủ, khách hàng như lạc vào “mê cung”. Không ít khách hàng sau khi tất toán hợp đồng mới bất ngờ khi các điều khoản, quyền lợi mình được hưởng không như những lời tư vấn ban đầu.

Ba là: Mập mờ tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua, sự việc một diễn viên lên mạng xã hội chia sẻ về nguy cơ mất hơn 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ vì không đọc kỹ hợp đồng đã khiến nhiều khách hàng hoang mang, lo lắng. Đây là một thực tế khá phổ biến bởi không phải khách hàng nào khi đặt bút ký cũng có thể khẳng định mình đã nắm rõ hết các thông tin được ghi trong hợp đồng.

Đối với lĩnh vực Ngoại giao, cần có giải pháp đồng bộ về cơ chế, thể chế nhằm bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện. Đặc biệt, cán bộ công tác tại cơ quan đại diện phải là người rất hiểu biết biết pháp luật, ngôn ngữ bản địa của nước sở tại để từ đó tuyên truyền về pháp luật, quy định của các nước cho công dân Việt Nam khi sang nước ngoài sinh sống, làm việc và xuất khẩu lao động. Điều này cũng góp phần hạn chế việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Phóng viên: Để những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội đối với những nội dung, vấn đề chất vấn được lắng nghe, giải quyết kịp thời trong thực tiễn cuộc sống, theo đại biểu, các Bộ ngành cần chú trọng ưu tiên triển khai những việc làm nào trong thời gian tới?

ĐBQH Tráng A Dương: Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp tại phiên họp thứ 31, trên cơ sở đó các Bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp khắc phục những bất cập, hạn chế đã xảy ra trong thời gian qua. Đặc biệt là về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ... cần được lắng nghe, giải quyết kịp thời.

Để những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội đối với những nội dung, vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Ngoại giao được lắng nghe, giải quyết kịp thời trong thực tiễn cuộc sống thì Bộ Ngoại giao cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt chỉ đạo các Đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài triển khai đồng bộ kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.   

Đối với các nội thuộc Bộ Tài chính thì Bộ cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các công ty bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm, các công ty bảo hiểm của nước ngoài tại Việt Nam trong việc tuyên truyền cho người tham gia bảo hiểm về các quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm tránh tình trạng mập mờ tư trong tư vấn bán bảo hiểm như thời gian qua. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên bảo hiểm trong việc tư vấn cho người dân mua bảo hiểm về các quyền lợi, phương thức thanh toán và các dịch vụ đi kèm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác