ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: ĐỀ NGHỊ BỎ QUY ĐỊNH “CÔNG BỐ TỪNG PHIẾU TRẢ GIÁ” TRONG QUY TRÌNH ĐẤU GIÁ TRỰC TIẾP

27/03/2024

Góp ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 vào chiều 27/3, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị bỏ quy định “công bố từng phiếu trả giá” trong quy trình đấu giá trực tiếp để tránh mất thời gian không cần thiết.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG HỢP HỦY KẾT QUẢ ĐẤU GIÁ

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu 

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 2627/BC-UBKT15 ngày 12/3/2024 về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH ngày 21/3/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (trong đó một số điều, khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung).

Quan tâm góp ý kiến về dự án Luật này, đặc biệt tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị không quy định “khiếu nại” vào chung khoản này vì không phù hợp với việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự như khoản 2, 3 Điều 72 trong luật này quy định. Đại biểu cho rằng, nội dung khiếu nại cần quy định một khoản riêng, cùng với nội dung tố cáo, thực hiện theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Các đại biểu tại hội nghị

Với nội dung tại Khoản13 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1a Điều 26, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần quy định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động cũ của tổ chức hành nghề đấu giá khi đã được Sở Tư pháp tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới cấp Giấy đăng ký hoạt động chứ không chỉ hủy giấy đăng ký như trong dự thảo nhằm bảo đảm trường hợp tổ chức sử dụng Giấy này vào mục đích không phù hợp, vi phạm pháp luật.

Về Khoản 22 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 39 của dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị áp dụng quy định “phong tỏa tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đối với khoản tiền đặt trước đó theo quy định của pháp luật về ngân hàng” là quy định bắt buộc trong quy trình đấu giá đối với mọi loại tài sản đấu giá (chứ không chỉ giới hạn với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và người có tài sản đấu giá yêu cầu như trong dự thảo hiện hành) nhằm loại trừ trường hợp một số tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chiếm dụng số tiền này (vì đã xảy ra trên thực tế và rất khó “đòi lại”).

Đối với quy định tại dự thảo “Người tham gia đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng”, nữ đại biểu đề nghị bổ sung người có tài sản đấu giá trong việc thỏa thuận để bảo đảm việc thực hiện và trách nhiệm của các bên liên quan.

Trong trường hợp “các bên lựa chọn thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng” thì phải bổ sung quy định cụ thể về định mức bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh,...

Đặc biệt đối với quy định ở Khoản 24 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 42 và Khoản 25 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm điểm d, khoản 3 Điều 43, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bỏ quy định “công bố từng phiếu trả giá” trong quy trình đấu giá trực tiếp. Theo đại biểu, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hiện nay được thực hiện theo phương thức trả giá lên, thực tế ghi nhận trải qua nhiều vòng đấu, với nhiều khách hàng tham gia trả giá. Như vậy, việc quy định đấu giá viên phải công bố từng phiếu trả giá là không cần thiết, mất thời gian.

Riêng về Khoản 33 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 54 dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đấu giá lưu trữ để thể hiện tính chặt chẽ, chọn lọc và có trọng tâm trọng điểm của việc lưu trữ./.

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác